0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 03/07/2024 06:42 (GMT+7)

Livestream thu trăm tỷ mỗi phiên, vá 'lỗ hổng' để chặn đường trốn thuế

Theo dõi KT&TD trên

Sẽ rất khó có thể giải quyết triệt để tình trạng thất thu thuế từ lĩnh vực thương mại điện tử nếu không có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan tổ chức trong việc quản lý và giám sát.

Những “lỗ hổng” thất thoát thuế

Theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Và Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Riêng với hình thức bán hàng qua livestream tuy chưa có những con số thống kê doanh thu cụ thể, song theo dự báo của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey&Company chỉ ra rằng, mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026.

Livestream thu trăm tỷ mỗi phiên, vá 'lỗ hổng' để chặn đường trốn thuế
Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, thời gian qua, không khó để bắt gặp những phiên Megalive của những KOLs, KOC và các công ty với mức doanh thu lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng tương đương doanh thu của một công ty trong 1 năm. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên đã thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok Shop, Shopee...

Doanh thu lớn, tuy nhiên việc thu thuế từ các hoạt động livestream bán hàng nói riêng hay thương mại điện tử nói chung vẫn còn khiêm tốn, cụm từ “thất thu” vẫn được sử dụng thường xuyên khi nói về thuế trong lĩnh vực này.

Nhìn nhận thực trạng này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, hình thức bán hàng livestream thời gian qua đang rất phát triển và thu hút được lượng người mua rất đông, trở thành một trong những hình thức phát triển nhanh và mạnh.

Tuy nhiên, đây cũng là hình thức khó thu thuế. Bởi kinh doanh livestream là hình thức kết nối trực tiếp để bán hàng và trong sổ sách hoặc lưu lại của họ có thể có nhưng khi kết thúc thời gian livestream thì không còn gì trên mạng khi họ đóng máy. Do đó, không thể biết doanh thu thực tế là bao nhiêu, thu nhập thế nào, bán được bao nhiêu hàng và tính thuế ra sao.

Luật sư Lê Bá Thường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và văn hóa doanh nghiệp cho biết, rất khó thống kê chính xác doanh thu từ hoạt động livestream bán hàng bởi mỗi nền tảng thương mại điện tử lại có hệ thống thống kê và báo cáo riêng, người bán hàng có thể gian lận số liệu như tăng lượt xem ảo, tạo đơn hàng ảo để đẩy doanh thu. Thêm nữa, việc mua hàng không chỉ diễn ra trong lúc live stream mà còn tiếp diễn sau đó.

Bên cạnh đó, hiện chỉ có 5 - 10% số hộ kinh doanh có thể nộp thuế theo hình thức kê khai, có hóa đơn, sổ sách kế toán, còn lại đều nộp thuế khoán, tức là nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khai man doanh thu để trốn thuế, đặc biệt là những hộ, cá nhân live stream bán hàng, có doanh thu bạc tỉ. Tình trạng thất thu thuế còn do nhiều người kinh doanh online nhưng không đăng ký kinh doanh, không kê khai và nộp thuế theo quy định.

Bên cạnh những bất cập xuất phát từ phía cá nhân, tổ chức hay các nền tảng thương mại điện tử, ngay cả pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng trong quản lý lĩnh vực này.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay, hoạt động livestream bán hàng còn mới so với hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, pháp luật hiện chưa quy định cụ thể về điều kiện phải đăng ký đối với người livestream bán hàng. Bất kỳ người nào có nhu cầu bán hàng đều có thể phát livestream trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo... Hơn nữa, các chủ thể bán hàng theo phương thức livestream cũng chưa phải xin giấy phép kinh doanh như với bán hàng truyền thống.

“Điều này, một mặt giúp gia tăng quy mô kinh doanh, mở rộng thị trường, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng mặt khác tạo ra những rào cản không hề nhỏ trong việc quản lý phương thức bán hàng livestream”, bà Lan nói.

Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự thay đổi kịp thời, đưa ra những quy định riêng về việc đăng ký và cấp giấy phép đối với người bán hàng qua livestream, giúp hệ thống những người bán hàng qua livestream, không để hoạt động này diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát.

Cần quy định chặt chẽ, có tính răn đe cao

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, sẽ rất khó có thể giải quyết triệt để tình trạng thất thu thuế từ lĩnh vực thương mại điện tử nếu không có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan tổ chức trong việc quản lý và giám sát, cũng như một hành lang pháp lý chắc chắn và có tính răn đe lên các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.

Livestream thu trăm tỷ mỗi phiên, vá 'lỗ hổng' để chặn đường trốn thuế
Sẽ rất khó có thể giải quyết triệt để tình trạng thất thu thuế từ lĩnh vực thương mại điện tử nếu không có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan tổ chức trong việc quản lý và giám sát.

Theo đó, Nhà nước cần nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật, siết chặt các chính sách về thuế, hóa đơn điện tử. Đồng thời các sở, ban ngành cũng cần xây dựng một công cụ thu thập dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử, kho hàng, ngày bán, doanh thu.

Riêng đối với các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động tiếp thị liên kết và livestream bán hàng, ông Hà cho rằng, việc chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy định pháp luật về thuế là điều cần thiết, tránh vấp phải các vấn đề về truy thu thuế.

“Nên đầu tư thời gian và nguồn lực để nắm vững các quy định, thực hiện kê khai và nộp thuế đầy đủ, sử dụng công cụ và dịch vụ hỗ trợ cần thiết, đồng thời duy trì hệ thống quản lý tài chính chặt chế để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi và hợp pháp”, ông Hà khuyến nghị.

Về phía Nhà nước, thời gian qua, khi đánh giá về việc quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream bán hàng còn nhiều thất thoát, Thủ tướng đã yêu cầu sớm áp dụng hóa đơn điện tử đối với hình thức bán hàng này.

Ông Hà nhận định, yêu cầu xuất hóa đơn điện tử sẽ đảm bảo minh bạch trong hoạt động livestream: "Người bán sẽ không thể khai khống số liệu, hạn chế gian lận thuế, đồng thời giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về tính hợp pháp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ”.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, ông Hà cũng cho rằng, cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ có thể gặp khó khi áp dụng do thiếu kiến thức, kỹ năng và công nghệ. Ngược lại, việc kiểm soát để tất cả cùng tuân thủ có thể là thách thức lớn với cơ quan chức năng.

Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề này, cần sự phối hợp từ nhiều bên. Cụ thể, để thu được tiền trong kinh doanh online và trong livestream hiện nay, cần sự phối kết hợp giữa các nhà mạng trong việc theo dõi cá nhân có các hoạt động livestream hoặc các mạng khác và sự phối hợp của các sàn thương mại điện tử.

Nếu các cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thì cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để tính thuế. Đối với livestream thì cũng cần sự kết hợp của ngân hàng, hay ngành Công thương để đảm bảo có đăng ký kinh doanh, quản lý kho hàng cũng như hàng hoá dịch chuyển trên địa bàn. Đồng thời, kết hợp chính quyền địa phương nắm bắt cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng.

Ngoài ra, theo kiến nghị của ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP. HCM, cần thành lập cơ quan thuế chuyên về thương mại điện tử.

Ông Sơn dẫn chứng, ở các nước phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, ngành thuế thành lập các đơn vị chuyên trách về quản lý thuế từ thương mại điện tử. Các đơn vị này có nhiệm vụ thu thập thông tin từ nhiều nguồn để làm rõ các trường hợp nghi trốn thuế.

Cơ quan thuế của các quốc gia này đều kết nối và chia sẻ dữ liệu thông tin với các bộ, ngành, trong đó có ngân hàng để có đủ thông tin về các trang bán hàng trên mạng xã hội (fanpage, kênh), các trang web bán hàng. Các tài khoản được dùng để giao dịch thương mại điện tử đều được ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế. Với các trường hợp nghi ngờ doanh thu thực tế không đúng với kê khai, cơ quan thuế sẽ thực hiện một số đơn đặt hàng giả, sau đó xác minh xem các giao dịch này có được kê khai đúng hay không.

Kỳ Thư

Bạn đang đọc bài viết Livestream thu trăm tỷ mỗi phiên, vá 'lỗ hổng' để chặn đường trốn thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Cục QLTT Lạng Sơn với công tác phòng, chống cơn bão số 3 và bình ổn giá thị trường
Thực hiện Công điện số 6815/CĐ-BCT ngày 08/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả cơn bão số 3 năm 2024 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3
Gia Lai: Tạm giữ 7.800 bánh trung thu các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Gia lai kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh TH trên địa bàn quản lý, phát hiện và tạm giữ 7.800 cái bánh trung thu các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tin mới

Đầu tư công cho cao tốc Quy Nhơn - Pleiku: Giải pháp tài chính bền vững?
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang trở thành tâm điểm chú ý với đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính bền vững tài chính và hiệu quả của phương án đầu tư công trong việc triển khai các dự án giao thông
Giá vàng đắt nhất lịch sử: Thị trường nhiều ẩn số, cẩn trọng khi đầu cơ
Cùng với triển vọng tăng giá của vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần qua cũng đã có nhiều phiên bật tăng và chinh phục mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, người mua vẫn phải đối mặt với rủi ro trong một thị trường vàng còn nhiều "ẩn số".
Nestlé hỗ trợ sản phẩm thực phẩm và dinh dưỡng cho các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Trước những thiệt hại nặng nề mà bão số 3 (Yagi) gây ra tại các tỉnh miền Bắc vào đầu tháng 9/2024, Nestlé Việt Nam đã nhanh chóng huy động các nguồn lực của công ty cũng như cán bộ nhân viên để kịp thời chung tay với các cùng các đối tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Liên danh 3 nhà thầu trúng gói thầu xây lắp 156 tỷ đồng tái định cư sân bay Long Thành
Gói thầu số 57 là gói thầu xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông, cung cấp và lắp đặt thiết bị của Dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn (thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành).