Lâm Đồng: Khuyến cáo doanh nghiệp, người dân không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến chè
Lâm Đồng tiếp tục có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chế biến, sản xuất chè, người dân trên địa bàn tỉnh thực thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến chè.
Những ngày gần đây, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục việc tuyên truyền đến bà con nông dân, thông qua hệ thống truyền thanh địa phương, lồng ghép tại các hội nghị, cuộc họp thôn, tổ dân phố, cụm dân cư,… về việc việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, chế biến các loại cây trồng nói chung và sản xuất, chế biến chè nói riêng.
Đồng thời thông tin kịp thời cho người dân trồng chè, các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè trên địa bàn nắm bắt được quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của thị trường tiêu thụ để cảnh báo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất và chế biến chè.
Các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cũng như cảnh báo, phòng ngừa việc sử dụng hóa chất của các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong quá trình sản xuất, chế biến chè cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuyên truyền đến tất cả các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến chè tuân thủ theo đúng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của thị trường tiêu thụ (đặc biệt là thị trường xuất khẩu).
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và tiếp tục duy trì, phát triển thương hiệu chè của tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chè thực thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến chè.
Tuyệt đối không sử dụng hoá chất trong quá trình chế biến chè. Tuân thủ theo đúng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Đồng thời tích cực tham gia xây dựng và phát triển uy tín, thương hiệu chè của Lâm Đồng tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay tổng diện tích cây chè trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng hơn 11.142 ha. Tập trung sản xuất chủ yếu tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Lâm Hà, thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt. Trong đó diện tích chè của huyện Di Linh đứng thứ 2 toàn tỉnh, sau Bảo Lâm.
Theo kết quả rà soát của Sở Công thương, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 161 công ty chế biến chè với quy mô 39.410 tấn/năm và 65 cơ sở chế biến chè với quy mô 10.000 tấn/năm tập trung tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà và Di Linh.
Sản lượng chè xuất khẩu năm 2022 ước đạt 4,67 ngàn tấn và ước đạt giá trị 11,56 triệu USD, giảm 34,13% về lượng và 11,12% về giá trị so với cùng kỳ. Sản lượng chè xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2,2 ngàn tấn và ước đạt giá trị 5,3 triệu USD, tăng 38,4% về lượng và giá trị so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu chính của chè bao gồm: Đài Loan, Pakistan và Afghanistan. Theo số liệu của Chi cục Hải quan Đà Lạt cung cấp trong năm 2022 và 5 tháng năm 2023, Chi cục Hải quan Đà Lạt làm thủ tục hải quan cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu chè qua thị trường Pakistan và Afghanistan và không có doanh nghiệp nào có lô chè xuất khẩu bị trả lại, đồng nghĩa các sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu chè đảm bảo các điều kiện, tiêu chí an toàn thực phẩm của thị trường Pakistan và Afghanistan.
Trước đó, ngày 29/6, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có văn bản chỉ đạo 60 doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn tuyệt đối không sử dụng hoá chất trong quá trình chế biến chè, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.
Sở Công Thương Lâm Đồng cũng yêu cầu các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chè thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến chè; tích cực tham gia xây dựng và phát triển uy tín, thương hiệu chè của Lâm Đồng tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời đề nghị các sở, ngành và địa phương phối hợp tuyên truyền, kịp thời cảnh báo, thông tin các quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại các thị trường nhập khẩu chè để các doanh nghiệp tuân thủ.
Hương Trà