Lãi suất tiếp tục giảm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Từ đầu năm 2025 đến nay, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đến thời điểm giữa tháng 7 đã giảm xuống còn khoảng 6,23%/năm, tức thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần vốn giá rẻ để mở rộng hoạt động, trong khi người dân có nhu cầu vay tiêu dùng và bất động sản vẫn tương đối lớn.
Song song với việc giảm lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh theo hướng hạ nhiệt. Từ đầu quý III/2025, nhiều nhà băng tiếp tục giảm nhẹ lãi suất tiền gửi, đặc biệt ở các kỳ hạn dài và đối với hình thức gửi trực tuyến. Chẳng hạn, BacABank giảm 0,1 điểm phần trăm cho tất cả kỳ hạn; VIB điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 36 tháng tại quầy cho khoản từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng, giảm 0,1%/năm; BaoViet Bank cũng giảm mạnh hơn, từ 0,15 đến 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 6 đến 13 tháng. Trước đó, LPBank đã hạ 0,2%/năm với tiền gửi online kỳ hạn dài, trong khi NCB cũng điều chỉnh giảm 0,1%/năm ở một số kỳ hạn.

Biểu lãi suất tiết kiệm tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước lớn (Big 4) hiện đang ổn định ở mức thấp. Tại Agribank, lãi suất tiết kiệm trực tuyến cho cá nhân dao động từ 2,4%/năm ở kỳ hạn 1–2 tháng, lên đến 4,8%/năm ở kỳ hạn 12–18 tháng, và cao nhất là 4,9%/năm ở kỳ hạn 24 tháng. Mức lãi suất này có sự nhỉnh hơn so với BIDV ở các kỳ hạn ngắn, trong khi kỳ hạn dài 24 tháng thì cả hai ngân hàng cùng áp dụng mức 4,9%/năm. VietinBank hiện niêm yết cao hơn khi áp dụng 5%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, trong khi Vietcombank có xu hướng thấp hơn, chỉ dao động khoảng 4,6 đến 4,7%/năm cho các kỳ hạn từ 12 đến 48 tháng.
Không chỉ lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay cũng có sự phân hóa đáng kể, với nhiều chương trình ưu đãi được triển khai nhằm kích thích tiêu dùng và đầu tư. Vietcombank đang triển khai các gói vay mua, xây, sửa nhà với lãi suất chỉ từ 3,99%/năm áp dụng đến hết quý I/2026. Các khoản vay tín chấp theo lương có lãi suất từ 6 đến 7,5%/năm, trong khi vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, vừa dao động từ 4,6%/năm.
Đặc biệt, các khoản vay trong chương trình “SME xanh” còn được hưởng mức lãi suất thấp chỉ từ 4,2%/năm. Một số gói vay bất động sản, ô tô hoặc tiêu dùng được ngân hàng này ưu đãi cố định từ 5,5 đến 5,7%/năm trong 6 đến 12 tháng, hoặc áp dụng lãi suất ổn định từ 6,2 đến 9,5%/năm trong thời gian từ 18 đến 60 tháng. Cùng với đó, VPBank SME triển khai chương trình “Giao dịch online, vận may tiền tỷ” nhằm khuyến khích khách hàng doanh nghiệp sử dụng nền tảng ngân hàng điện tử NEOBiz để quản lý dòng tiền linh hoạt, giảm chi phí giao dịch.
Diễn biến lãi suất thời gian qua phản ánh rõ nét định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2025, đó là tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có kiểm soát để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp, đồng thời chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường quản trị rủi ro để từng bước hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ tốt hơn cho các lĩnh vực ưu tiên. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, góp phần hấp thụ cú sốc từ bên ngoài, ổn định thị trường ngoại hối và đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, việc duy trì một mặt bằng lãi suất hợp lý, vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa không tạo áp lực lớn lên lạm phát là bài toán không dễ. Tuy nhiên, với những diễn biến tích cực của nửa đầu năm 2025 và sự chủ động trong chính sách điều hành, Ngân hàng Nhà nước cho thấy quyết tâm tiếp tục bám sát tình hình thực tế để đưa ra các biện pháp linh hoạt, hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững.
P.T