Đầu tư công là động lực tăng trưởng nền kinh tế
Kết luận Phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đầu tư công là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế, đặc biệt trong điều kiện khó khăn hiện nay
Công trình giao thông chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025
Thủ tướng nhận định, tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc. Lạm phát trên thế giới vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ các nước lớn tiếp tục thắt chặt. Một số thị trường xuất khẩu chủ yếu như Mỹ hay EU giảm sút. Một số ngân hàng lớn, truyền thống tại Mỹ, châu Âu phá sản, ngừng hoạt động.
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn và có độ mở lớn nên chịu tác động nhiều bởi tình hình thế giới. Nhiều địa phương tăng trưởng chậm do sản xuất công nghiệp, chế biến giảm.
Trong bối cảnh đó, việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế; Thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công; Dự án sớm đưa vào khai thác giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, hạn chế dàn trải trong đầu tư và huy động nguồn lực; góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân khu vực có dự án; tạo không gian phát triển mới về đô thị, công nghiệp, dịch vụ...
Thực tế, các dự án công trình giao thông chiếm tỷ trọng rất lớn trong vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, đang được triển khai đồng loạt ở tất cả các vùng miền của đất nước, nổi bật là hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam và Đông - Tây.
Ngoài những mục tiêu nêu trên, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, hoàn thành các dự án, công trình giao thông vận tải sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại đội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, khối lượng công việc là rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực, tập trung và quyết liệt hơn nữa của các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, nhà thầu, tư vấn, nhất là các thành viên Ban Chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đã biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của các Bộ, cơ quan, địa phương, Bộ Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn và nhà thầu trong quá trình triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn một số nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc hoàn thành không đúng tiến độ; vẫn còn tình trạng né tránh trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ; thủ tục hành chính còn rườm rà, kéo dài. Một số hướng dẫn của cơ quan quản lý còn chung chung dẫn đến cách hiểu khác nhau khi triển khai thực hiện nên chưa thực sự giải quyết được vướng mắc. Nhiều công trình, dự án vẫn chậm tiến độ, nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/06/2023
Hiện nay, điều kiện thời tiết đang rất thuận lợi cho thi công xây dựng. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực và tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ, công việc cấp bách trong thời gian tới.
Đối với nhóm chưa duyệt dự án đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đã được giao là cơ quan có thẩm quyền, chủ quản thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ các dự án đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP); thẩm định Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2023.
Đối với nhóm dự án đã phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương phải khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công trước ngày 30/06/2023 theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Chính phủ. Danh sách các dự án đã được phê duyệt bao gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Tập trung giải quyết vướng mắc, khiếu nại, tăng cường thi công “3 ca, 4 kíp”
Đối với nhóm các dự án đang thi công như các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc về khai thác mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải. Đây là điểm nghẽn chính trong triển khai các dự án hiện nay.
Bên cạnh đó, 12 tỉnh và thành phố có dự án đi qua cũng cần tập trung giải quyết các khiếu nại của người dân về giá đền bù, xem xét bố trí tạm cư cho người dân khi chưa hoàn thành khu tái định cư, thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến thi công…
Đối với 3 dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải phải quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công “3 ca, 4 kíp”, tăng cường thiết bị, nhân lực để kịp đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam và các cơ quan thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 11/04/2023 về tình hình triển khai thực hiện dự án.
Trong tháng 5/2023, các đơn vị có trách nhiệm cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ lựa chọn nhà thầu thi công gói thầu 5.10, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án theo yêu cầu của Quốc hội.
Dịch Phong