Không cần thiết kiểm toán dự án do doanh nghiệp tự thỏa thuận thực hiện giải phóng mặt bằng
Đây là một trong những nội dung chính mà Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) góp ý tại Văn bản số 141/2023/CV-HoREA gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước.
Tiếp tục góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), liên quan đến việc kiểm toán các dự án, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu cơ quan Kiểm toán Nhà nước hiểu "máy móc" quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là tài sản công đều thuộc đối tượng phải được kiểm toán, mà không phân biệt các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh, dự án đô thị, nhà ở thương mại, kể cả dự án nhà ở xã hội có sử dụng đất mà không phân biệt nguồn gốc đất, là chưa hợp lý.
Theo ông Lê Hoàng Châu, các dự án có nguồn gốc đất là do doanh nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (không phải là đất do Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng rồi giao đất cho doanh nghiệp) và doanh nghiệp không sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, hoặc nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhưng lại "bị" kiểm toán các dự án này thì không hợp lý.
Như thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước khi thực hiện kiểm toán hoạt động phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm toán cả 3 dự án nhà ở xã hội do Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành là doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư.
HoREA cho rằng, việc này là chưa thật hợp lý, bởi lẽ cả 3 dự án này đều do doanh nghiệp tự mua đất và đầu tư bằng vốn vay tín dụng thương mại, không hề được vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Chính vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cần phải tập trung thực hiện kiểm toán nhằm đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất là đất công hoặc đất do Nhà nước thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao, cho thuê đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, dự án nhà ở thương mại, đô thị, dự án nhà ở xã hội mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Bên cạnh đó, việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng rất cần thiết thực hiện kiểm toán để đánh giá tính hiệu quả của phương thức nộp tiền sử dụng đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm.
HoREA cũng đề nghị thống nhất nhận thức và xây dựng cơ chế xử lý phần giá trị tăng thêm từ đất (chênh lệch địa tô) do 2 chủ thể chính tạo ra là Nhà nước và người sử dụng đất, nhất là do các nhà đầu tư tư nhân tạo ra…
Để triển khai hiệu quả công tác xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp định giá đất và quy trình thực hiện theo quy định tại Điều 159, 162 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời cũng góp phần kiểm toán hiệu quả các dự án trên cả nước, HoREA kiến nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét thực hiện kiểm toán để đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất tạo nguồn thu ngân sách nhà nước đối với trường hợp áp dụng phương thức nộp tiền sử dụng đất 01 lần cho cả thời gian thuê và phương thức nộp tiền thuê đất hàng năm của các dự án sản xuất kinh doanh sử dụng đất phi nông nghiệp, để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
HoREA đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại Văn bản số 477/UBND-ĐT ngày 17/02/2022 đề nghị áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp xác định giá đất bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất phổ biến trên thị trường.
Phương pháp này để tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản nhà ở thương mại, đô thị có sử dụng đất, không phân biệt thửa đất, khu đất có giá trị dưới 30 (hoặc 20 hoặc 10) tỷ đồng theo bảng giá đất theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 44/2014/NĐ-CP.
Sau cùng, HoREA đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét không cần thiết thực hiện kiểm toán đối với dự án nhà ở xã hội có sử dụng đất, nhưng có nguồn gốc đất là do doanh nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (không phải là đất do Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng rồi giao đất cho doanh nghiệp) và doanh nghiệp không sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, hoặc nguồn vốn tín dụng ưu đãi...