Khi các nhà bán lẻ chung tay ‘chặn’ thực phẩm bẩn
Tình trạng thực phẩm không an toàn, không bảo đảm vệ sinh từ lâu vẫn là vấn đề nhức nhối và diễn biến phức tạp gây ra những hệ luỵ và thiết hại rất lớn cho người tiêu dùng và xã hội.
Trước vấn đề này, các ông lớn bán lẻ mà tiên phong là Saigon Co.op cùng Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market và Bách Hóa Xanh ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trong hệ trống. Việc ký kết thoả thuận này nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối. Đồng thời ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Vấn nạn thực phẩm bẩn, không an toàn
Theo báo cáo của Bộ Y tế mới đây, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ ngày 8 đến 14/2/2024) cả nước có 616 trường hợp khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, trong đó có 314 trường hợp nhập viện theo dõi và điều trị.
Vụ việc đáng tiếc nhất liên quan đến vấn đề này đã xảy ra tại tỉnh Bạc Liêu, địa phương này ghi nhận một vụ nghi ngờ ngộ độc rượu tại bữa cơm gia đình xảy ra vào ngày 11/2, khiến 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người tử vong.
Câu chuyện trên đã nói lên nhiều điều, trong khi tình trạng thực phẩm không an toàn, không bảo đảm vệ sinh an toàn đã và đang diễn biến phức tạp, không chỉ là những thời điểm trước, sau Tết Nguyên đán hay mùa lễ hội đầu Xuân.
Điều đáng quan ngại nhất là tình trạng vì lợi nhuận mà bất chấp quy định, buôn bán gian dối, thậm chí nhiều nhà hàng ăn uống sẵn sàng sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới để bán cho thực khách. Ngay cả những thực phẩm đã bốc mùi hôi nồng nặc hoặc hết hạn sử dụng cũng được một số chủ nhà hàng dùng hóa chất để khử mùi trước khi chế biến.
Trong khi đó, tại một số vùng nông thôn, vẫn còn tình trạng sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cho các loại rau, hoa quả để tăng sản lượng nông sản. Trong chăn nuôi, để gia súc, gia cầm nhanh được xuất chuồng, tiêu tốn ít thức ăn thì nhiều loại thuốc, cám tăng trọng nhanh cũng được một số người dân sử dụng quá liều lượng. Cùng với đó là việc không tuân thủ quy định, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc đối với cây trồng, vật nuôi khiến cho nhiều sản phẩm nhiễm dư lượng hoá chất…
Tại các chợ, với mục đích biến những trái cây tươi lâu, không bị thối, ủng, nhiều tiểu thương còn dùng dùng hoá chất ngâm, tẩm… gây thiệt hại không chỉ về vật chất mà cả sức khoẻ lẫn tinh thần của người dân.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực phẩm không an toàn là do nhiễm khuẩn và ô nhiễm môi trường; quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển thực phẩm không đúng cách; sự thay đổi trong môi trường và thời tiết; giả mạo và gian lận; khả năng kiểm soát yếu kém… Bên cạnh đó, người sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn, cơ thể thường xuất hiện các triệu chứng ngứa, phát ban, khó thở, và sưng môi, sưng mắt…
Để ngăn chặn có hiệu quả thực phẩm không an toàn, trước hết là ý thức tuân thủ của các chủ cửa hàng và từ nơi nuôi trồng, sản xuất... Bên cạnh đó, chúng ta rất cần tinh thần làm việc trách nhiệm, công minh của các đoàn kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại những cơ sở uy tín, bảo đảm chất lượng. Kiểm tra và tìm hiểu kỹ các thông tin trên bao bì, nhãn mác; đồng thời, nói “không” với những sản phẩm có nhãn mác xuất xứ không rõ ràng.
Cái bắt tay ý nghĩa của các nhà bán lẻ hàng đầu tại Tp Hồ Chí Minh
Hôm thứ 6 ngày (8/3), lần đầu tiên 6 hệ thống phân phối lớn gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market và Bách Hóa Xanh ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trong hệ trống trên địa bàn thành phố. Đây một trong những hành động thiết thực và hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh vấn nạn thực phẩm không an toàn đang diễn biến phức tạp.
Thông tin từ đại diện Sở Công Thương TPHCM, cho biết sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM tổ chức.
Việc ký kết thoả thuận này nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối. Đồng thời ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố.
Chương trình bước đầu sẽ thí điểm áp dụng đối với 3 nhóm sản phẩm, gồm: trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng, dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường), thịt (thịt heo, thịt gà).
Theo định hướng của Sở Công Thương TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM và Sở An toàn thực phẩm TPHCM, 6 nhà phân phối này sẽ đưa ra các nguyên tắc quan trọng để chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn sản phẩm không an toàn đưa vào 6 hệ thống phân phối.
Bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, việc hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa là một trong những viên gạch đầu tiên để bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt thật sự bền vững. Đây là cơ sở để doanh nghiệp sẵn sàng chinh phục người tiêu dùng Việt và sẵn sàng xuất khẩu đến những thị trường khó tính.
“Chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp tham gia phải có tinh thần minh bạch, trách nhiệm; sản xuất trung thực, phân phối trung thực. Đây cũng là tiền đề định hướng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng Việt, đủ tiêu chuẩn cho người Việt, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hướng đến những thị trường xuất khẩu khó tính”, bà Yến nói.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM cho rằng, chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa sẽ đạt được mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững.
Theo ông Hải, 6 hệ thống phân phối hàng đầu với vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, phải phát huy tinh thần tiên phong, dẫn dắt xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt bền vững.
Tại sự kiện này, Saigon Co.op đã tổ chức ký kết thoả thuận 6 nhà cung cấp tiên phong tham gia Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, bao gồm: công ty Anh Hoàng Thy, San Hà (cung cấp thịt gia súc, thịt gia cầm); HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, công ty MeKong Delta Food, công ty Xuân Thái Thịnh (cung cấp rau củ quả); HTX Tân Mỹ (cung cấp trái cây).
Minh Đức