Hành trình 8 tháng giữ thai gian truân: Từ 0,1% hy vọng đến kỳ tích
8 năm mong con, 3 lần mất con, 34 tuần mang thai, 4 lần ra máu, nhiều lần đối mặt với tình huống nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con,... Tuy nhiên, chị N.T.L vẫn đặt trọn niềm tin vào bệnh viện Hồng Ngọc dù chỉ có 0,1% hy vọng.
Cuối cùng, sự kiên cường của một người mẹ cùng những nỗ lực không ngơi nghỉ của đội ngũ bác sĩ đã nhận được trái ngọt xứng đáng.
Hi vọng mong manh từ 0,1% cơ hội
Chị N.T.L (33 tuổi) đến Bệnh viện Hồng Ngọc trong tình trạng đau bụng dưới và ra huyết âm đạo bất thường. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện tại buồng trứng trái của chị L có khối bất thường, nghi ngờ thai ngoài tử cung. Chị L đã trải qua 3 lần mang thai nhưng chưa từng được làm mẹ, những lần mang thai trước đó đều mất tim thai ở tuần thứ 10 mà không biết nguyên nhân. Vì vậy, lần mang thai này cũng mang theo tất cả hi vọng được thực hiện thiên chức của chị L.
BSCKII Đỗ Văn Tú, Trưởng khoa Sản Phụ khoa - BVĐK Hồng Ngọc Yên Ninh chia sẻ: "Khi siêu âm, chúng tôi không phát hiện thấy phôi thai trong tử cung, mặc dù chị L thử thai tại nhà cho kết quả hai vạch . Thay vào đó, một khối kích thước 10x13mm ở vị trí buồng trứng trái khiến chúng tôi nghi ngờ là thai ngoài tử cung và có thể cần thuật thuật để bảo vệ tính mạng cho mẹ."
Mặc dù dấu hiệu ban đầu không mấy khả năng, nhưng bác sĩ Tú không vội kết luận. Hiểu rõ sự khao khát của người mẹ từng trải qua nhiều mất mát, bác sĩ quyết định giữ chị L tại viện để theo dõi thêm với hy vọng rằng thai nhi có thể vào buồng tử cung. Đồng thời, nếu thực sự là thai ngoài tử cung, việc giám sát chặt chẽ sẽ giúp ngăn chặn nguy hiểm cho chị.
Trong suốt một tuần nằm viện, chị L chia sẻ: "Dù thời tiết ngoài trời chỉ 8-10 độ nhưng trong lòng mình cứ nóng như lửa đốt. Biết cơ hội rất mong manh nhưng vẫn hy vọng, mong có một kỳ tích."
Vì là trường hợp đặc biệt, chị L được siêu âm định kỳ 2 ngày một lần, trong khi các bác sĩ luôn cẩn thận giải thích để chị chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống. Và rồi, vào đúng ngày Giáng sinh, điều kỳ diệu đã đến. Một “chấm bé xíu” xuất hiện trong tử cung, mang theo niềm vui vỡ òa cho cả bác sĩ và gia đình.
“Khi nghe bác sĩ Tú báo đã tìm thấy con, mình không thể kìm chế cảm xúc. Cuối cùng, kỳ tích đã đến với mình, dù khả năng mong manh chỉ 0,1% hoặc còn ít hơn” chị L hạnh phúc chia sẻ.
8 tháng giữ thai gian nan
Niềm vui khi biết mình mang thai chưa kéo dài bao lâu, chị L đã phải đối mặt với những khó khăn mới. Ở tuần thai thứ 7, chị nhập viện vì nhiễm Covid - 19. Cứ ngỡ rằng tam cá nguyệt thứ 2 sẽ là giai đoạn dễ chịu hơn như nhiều mẹ bầu khác, nhưng chị L lại phải chịu đựng những cơn đau quặn và tình trạng chảy máu khi đi vệ sinh do viêm tiết niệu. Tình hình càng trở nên phức tạp khi chị phải điều trị giãn đài thận – biến chứng từ viêm tiết niệu, khiến hành trình làm mẹ của chị thêm phần cam go.
"Phải uống kháng sinh liên tục, ngày nào cũng dùng thuốc. Mình lo không biết thuốc có ảnh hưởng đến em bé không, nhưng không uống thì đau quá, không thể đi vệ sinh được. Các bác sĩ luôn động viên và khẳng định đây là loại thuốc an toàn cho mẹ bầu, nên mình cũng an tâm điều trị", chị L chia sẻ.
Với chị, việc mang thai giống như một trận chiến không ngừng nghỉ, và những tháng cuối của thai kỳ thực sự là thử thách lớn nhất.
Từ tuần 22, qua siêu âm, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc phát hiện nhau thai của chị bám thấp, xác định là rau tiền đạo trung tâm. Ngay lập tức, các bác sĩ đã thông báo cho chị và bắt đầu chuẩn bị kế hoạch điều trị phòng ngừa những rủi ro. Đến tuần thứ 30, chị L bị xuất huyết và xuất hiện các cơn co tử cung, lập tức được chỉ định nhập viện để theo dõi.
"Lúc 3 giờ sáng, khi đang ngủ, mình thấy máu chảy ra nhiều, có cả dịch nhầy và máu hồng. Mình nhắn tin cho bác sĩ ngay. Đã chuẩn bị tâm lý sẵn, nên mình bình tĩnh sắp xếp đồ đạc. Bác sĩ Tú đã tư vấn kỹ lưỡng từ trước, mình tin tưởng vào bệnh viện nên yên tâm nhập viện", chị L tâm sự.
Người mẹ ấy đã chuẩn bị tinh thần vững vàng, kiên cường đối mặt với từng ngày đầy thử thách, chịu đựng việc tiêm và truyền thuốc kéo dài tới 14 tiếng mỗi ngày. Mặc dù những cơn đau và buồn nôn liên tục làm chị kiệt sức, chị chỉ mong có thể giữ con thêm từng ngày. Dù vậy, tình trạng xuất huyết vẫn tái diễn đều đặn, trung bình mỗi tuần một lần. Đến lần ra máu thứ ba khi thai kỳ chạm mốc 32 tuần, các bác sĩ phải đưa ra một quyết định cực kỳ khó khăn: Có nên mổ để đưa em bé ra ngoài hay tiếp tục theo dõi? Việc giữ thai tiếp tục sẽ gây áp lực lớn lên sức khỏe của người mẹ, nhưng nếu mổ quá sớm, nhiều cơ quan quan trọng của bé, đặc biệt là đôi mắt, chưa phát triển hoàn thiện.
“Chúng tôi đã trao đổi nhanh chóng với thai phụ về các khả năng. Nhờ sự quyết tâm mãnh liệt của chị, các bác sĩ đã tiếp tục cố gắng giữ thai lâu nhất có thể. Phác đồ điều trị liên tục được điều chỉnh hàng ngày để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, hướng đến việc bé được sinh ra khỏe mạnh nhất.” BS Tú chia sẻ.
Đến tuần thai thứ 34, sau hơn một tháng chiến đấu, cơ thể người mẹ bắt đầu "báo động" vì sự mệt mỏi kéo dài. Chân chị phù nề, không còn đủ sức đứng vững. Trong khi đó, các bác sĩ nhận thấy thai nhi đã đủ sức để thích nghi với cuộc sống ngoài bụng mẹ. Cuối cùng, các bác sĩ quyết định ngừng thuốc và chuẩn bị cho ca mổ sắp tới.
“Cảm ơn con đã cùng mẹ chiến đấu"
Ngay khi chị L có dấu hiệu chuyển dạ đầu tiên, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc đã sẵn sàng và ngay trong đêm, thai phụ được đưa thẳng vào phòng mổ. Chỉ sau vài phút, em bé nặng 2kg đã chào đời, khóc vang, chỉ số sinh tồn ổn định, lập tức được thực hiện phương pháp da kề da với mẹ.
"Trong thời gian thai phụ điều trị tại bệnh viện, chúng tôi đã lập kế hoạch mổ rất chi tiết dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ và các kết quả siêu âm. Đường đi của mạch máu đã được khảo sát kỹ lưỡng, nhờ đó, ca mổ diễn ra suôn sẻ, sản phụ không mất quá nhiều máu và không cần truyền máu bổ sung” BS Tú cho biết.
Cho đến tận bây giờ, ekip mổ hôm ấy vẫn không thể quên khoảnh khắc nhẹ nhõm khi trao em bé vào tay mẹ. Điều khiến họ nhớ mãi chính là câu nói đầu tiên của chị L khi ôm con: “Chào mừng con đến với thế giới của mẹ, cảm ơn con đã cùng mẹ kiên cường vượt qua những ngày gian khó.” Chỉ một câu ngắn gọn, nhưng đủ để nói lên sự mạnh mẽ của người mẹ và sự cứng cáp của em bé- đã cùng mẹ "chiến đấu" trong suốt 8 tháng để có thể cất tiếng khóc chào đời và nhìn thấy thế giới tươi đẹp.
Ngay sau sinh, do bé còn nhỏ và sinh non tháng nên đã được ấp Kangaroo để nhận thêm hơi ấm từ mẹ bên cạnh phương pháp da kề da. Bé nhanh chóng tự tìm ti mẹ và bú những giọt sữa đầu tiên. “May mắn là con dù sinh non nhưng rất khỏe, bú tốt và hợp tác. Đưa con đi tiêm vắc-xin viêm gan B, tiêm vitamin K hay tắm, bé đều không khóc, trông con như đang rất thoải mái.” Chị L vui vẻ kể lại.
Với chị L, suốt hơn 1 tháng cuối thai kỳ nằm viện và những lần nhập viện liên tiếp trong suốt quá trình mang thai, khoa Sản Hồng Ngọc đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Nhân viên y tế ở đây quen thuộc như người nhà. “Trong thời gian mình nằm viện, đã chứng kiến 5 lượt các mẹ đến nằm cùng phòng, mẹ này đi thì mẹ khác lại vào. Mình thường kể câu chuyện của mình để truyền động lực tích cực và lạc quan cho các mẹ khác. Các bác sĩ, điều dưỡng thì vô cùng tận tình, thường xuyên ghé qua phòng kiểm tra hai mẹ con. Ngay cả các bác hộ lý, đầu bếp cũng rất thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ.” Chị L nghẹn ngào chia sẻ.
Hành trình đi đến thành công này là một câu chuyện đầy thách thức và vô vàn cung bậc cảm xúc, nơi sản phụ, thai nhi và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc đã cùng nhau vượt qua những khó khăn lớn lao. Trên chặng đường ấy, để sát cánh cùng chị L, các bác sĩ không chỉ cần sự kiên trì, tận tụy mà còn phải sở hữu kiến thức chuyên sâu, bản lĩnh mạnh mẽ và sự nhạy bén để đưa ra những quyết định chính xác trong những thời khắc quan trọng nhất.
Không chỉ với riêng chị L, Bệnh viện Hồng Ngọc đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho hàng ngàn mẹ bầu khác, luôn sẵn sàng đối mặt với những tình huống đầy thử thách. Với nhiều năm kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao cùng sự nhiệt huyết, tận tình, đội ngũ y bác sĩ tại đây đã mang đến sự yên tâm tuyệt đối, trở thành nơi mà mọi mẹ bầu có thể “trao trọn niềm tin”.
PV