Hà Tĩnh: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp quý I/2024 ước tăng 4,27%
Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất; tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quý I tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023
Cụ thể: Ngành Công nghiệp khai khoáng tăng 6,60% đóng góp 0,15 điểm vào mức tăng chung toàn ngành; ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,09% làm tăng 0,42 điểm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 29,60% đóng góp 3,37 điểm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,44% đóng góp 0,33 điểm vào mức tăng chung toàn ngành Công nghiệp Hà Tĩnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý tăng so với cùng kỳ năm trước nguyên nhân là một số nhà máy, doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hành ổn định song song 2 tổ máy theo thị trường mua bán điện của EVN (cùng kỳ năm trước tổ máy số 1 gặp sự cố), sản lượng điện ước đạt 2.687 triệu Kwh tăng 36,13% so với cùng kỳ; sản xuất bia tăng trưởng khá, 2 nhà máy sản xuất bia đóng lon trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn duy trì ổn định sản xuất (sản lượng ước đạt 17,39 triệu lít tăng 32,20%); nhà máy sản xuất pin VinES đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 8/2023; tháng 12/2023, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh mở rộng mặt bằng khai thác, mỏ mới được cấp phép nên sản lượng quặng khai thác tăng cao so cùng kỳ….
Những tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng so với cùng kỳ. Toàn tỉnh thành lập mới 230 doanh nghiệp, giảm 9,09% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn đăng ký đạt 1.636 tỷ đồng, tăng 116,95%, vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 7,11 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ có 146 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 16,96% so với cùng kỳ). Bên cạnh các doanh nghiệp thành lập mới, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng và giải thể, cụ thể: Có 313 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 19,47%); 69 doanh nghiệp giải thể (tăng 30,19%).
Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15/3/2024 đạt 4.342,14 tỷ đồng, (tăng 46,78% so với cùng kỳ). Trong đó: Thu nội địa ước đạt 1.853,40 tỷ đồng tăng 64,21% so với cùng kỳ năm trước. Một số sắc thuế thu đạt kết quả cao từ những tháng đầu năm như: Thu thuế, phí đạt 890,42 tỷ đồng tăng 53,96% so với cùng kỳ; thuế bảo vệ môi trường đạt 213,29 tỷ đồng tăng 195,05%; thu tiền sử dụng đất đạt 549,73 tỷ đồng tăng 73,52% do những tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản ở Hà Tĩnh khởi sắc, tăng cả về giá và lượng giao dịch...
Tổng vốn đầu tư toàn quý ước đạt 11.351,32 tỷ đồng, tăng 21,98% so với cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 21,98%) chủ yếu nhờ giải ngân cao từ khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, một số dự án đóng góp vốn đầu tư đáng kể như nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, cao tốc Bắc Nam, nhà máy sản xuất Pin Lithium tập trung xây dựng và nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất chờ lắp đặt.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I/2024 đạt 17.142,1 tỷ đồng, tăng 21,47% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu tăng khá, trong đó một số mặt hàng chiếm doanh thu lớn và tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 8.296,36 tỷ đồng, tăng 26,07%; hàng may mặc ước đạt 1.138,76 tỷ đồng, tăng 53,78%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 2.245,72 tỷ đồng, tăng 55,87%. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1.897,09 tỷ đồng, tăng 19,31% so với cùng kỳ, trong đó: Lưu trú ước đạt 36,57 tỷ đồng, giảm 35,06%...
Cùng với đó, công tác quy họach, quản lý xây dựng, đô thị: Tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng. Tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ chính sách vùng ngập lụt, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp theo chiều sâu, thu hút đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế… là ưu tiên của Hà Tĩnh trong thời gian tới.