Hạ tầng phát triển, Bàu Bàng thu hút nhà đầu tư vào công nghiệp
Khai thác hiệu quả các tiềm năng về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Bàu Bàng đã từng bước trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh Bình Dương.
Sở hữu những tiềm năng lớn mà không địa phương nào có được như quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông thuận lợi như Quốc lộ 13, tuyến đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng... Các tuyến giao thông từ Bàu Bàng có thể kết nối với hầu hết các địa phương trong tỉnh cũng như vùng Đông Nam Bộ. Điều này đã giúp Bàu Bàng có những bước phát triển mạnh mẽ trong sản xuất công nghiệp.
Do phát triển công nghiệp sau, có những định hướng, quy hoạch tổng thể hợp lý, Bàu Bàng đã xây dựng nên các khu công nghiệp xanh, thân thiện môi trường điều này đã biến Bàu Bàng trở thành thỏi nam châm thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay trên địa bàn huyện Bàu Bàng có 3 KCN đang hoạt động gồm: KCN Tân Bình, KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bàu Bàng còn có KCN Cây Trường và KCN Lai Hưng đang tiến hành các bước đầu tư xây dựng hạ tầng. Nhờ những tiện ích thuận lợi, Bàu Bàng luôn là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Theo thống kê, trong năm 2022, Bàu Bàng đã thu hút được 134 dự án đầu tư, trong đó có 121 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 9.670 tỷ đồng, 13 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 73 triệu USD và 9 dự án điều chỉnh tăng vốn trên 55,5 triệu USD.
Bên cạnh những thuận lợi về hạ tầng, tiện ích, điểm khiến các nhà đầu tư lựa chọn Bàu Bàng chính là việc chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp trong khuôn khổ cơ chế chính sách của tỉnh và Trung ương.
Việc công nghiệp phát triển mạnh mẽ đã khiến các lĩnh vực khác như bất động sản, thương mại dịch vụ. Cụ thể, trong năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 24,48% so với cùng kỳ. Nhiều khu đô thị lớn đã hình thành Khu đô thị Phúc An Ashita, khu đô thị Đại Phước Molita, Khu đô thị Hưng Thịnh Golden Land Bình Dương...
Để có được những thành công về phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ như trên, Bàu Bàng đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị còn có sự đồng lòng, chung sức của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo thống kê, trong quý I/2023, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 5 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 14,73 triệu USD; 3 dự án đầu tư nước ngoài tăng thêm vốn là 6,2 triệu USD. Lũy kế đến nay đã có 1.382 dự án được đầu tư tại Bàu Bàng, trong đó đầu tư trong nước là 1.156 dự án với tổng vốn đăng ký trên 32.000 tỷ đồng và 226 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là trên 4 tỷ 478 triệu USD.
Sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp đã giúp Bàu Bàng đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, trong quý I/2023, giá trị sản xuất công nghiệp của Bàu Bàng đạt 10.146,6 tỷ đồng, tăng 16,34% so với cùng kỳ năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.688 tỷ đồng, tăng 16,53% so với cùng kỳ năm 2022; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 643,6 tỷ đồng, tăng 3,04% so với cùng kỳ năm 2022...
Chia sẻ về những thàng công của Bàu Bàng trong thời gian qua, ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng thông tin, hiện nay hệ thống giao thông của huyện tương đối thuận tiện với những tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 13, đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng, kết nối thông suốt đến cảng biển, sân bay tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sắp tới là đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được đưa vào khai thác sẽ tăng cường kết nối Bàu Bàng với các địa phương.
Song Anh