Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi giao thông xanh
Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải đang trở thành một trong những mục tiêu trọng tâm của Hà Nội nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển bền vững.
Bằng việc đẩy mạnh các loại hình phương tiện sử dụng điện, năng lượng sạch và từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đi kèm, thành phố đã ghi nhận những kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa lộ trình này vẫn còn gặp không ít thách thức, đặc biệt là về hạ tầng trạm sạc và đồng bộ chính sách.
Từ đầu năm 2025 đến nay, hệ thống xe buýt điện của Hà Nội tiếp tục được mở rộng. Thành phố đã đưa vào hoạt động 6 tuyến buýt điện mới với 97 xe, nâng tổng số tuyến xe buýt điện lên 16/128 tuyến, tổng cộng 248 xe, chiếm gần 13% tổng số phương tiện buýt trợ giá. Theo Kế hoạch số 149/KH-UBND, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng xăng, dầu sang xe điện hoặc năng lượng xanh chậm nhất vào năm 2030.
Cụ thể, tỷ lệ chuyển đổi dự kiến đạt 10% trong năm 2025, 20-23% năm 2026 và tiếp tục tăng dần qua các năm: 34-39% năm 2027, 47-54% năm 2028, 79-89% năm 2029 và đạt 100% vào năm 2030. Lộ trình này không chỉ gắn với việc thay đổi phương tiện mà còn bao gồm mở rộng mạng lưới tuyến và xây dựng hệ thống trạm sạc đồng bộ.

Đối với xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ, chuyển đổi xanh cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 6/2025, Hà Nội đã có 8.831 xe taxi điện, tương đương 47,4% tổng số phương tiện taxi đang hoạt động. Đã có 23 đơn vị taxi đăng ký lộ trình chuyển đổi 100% xe điện trước năm 2030. Tỷ lệ xe hợp đồng chuyển đổi cũng đạt khoảng 46,5%. Đây là con số thể hiện sự tham gia tích cực của khu vực doanh nghiệp vào quá trình điện hóa giao thông đô thị.
Bên cạnh xe buýt và taxi, mô hình xe đạp công cộng cũng đang được triển khai hiệu quả. Dịch vụ TNGo với 1.100 xe, trong đó có 1.000 xe đạp cơ và 100 xe đạp điện trợ lực, hoạt động tại 118 điểm trạm trong khu vực Vành đai 3. Dịch vụ hoạt động 24/7, hỗ trợ kết nối các điểm trung chuyển, góp phần hình thành mạng lưới giao thông xanh, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là hạ tầng sạc điện còn hạn chế. Đến nay, mới chỉ có một doanh nghiệp báo cáo triển khai khoảng 1.000 trạm sạc (cả công cộng và cá nhân). Nhiều khu vực nội đô, chung cư cũ và các điểm trung chuyển chưa được bố trí trạm sạc hợp lý. Lưới điện tại các khu dân cư, đặc biệt là chung cư, vốn chỉ đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, khó đáp ứng nhu cầu sạc đồng loạt hàng trăm phương tiện. Việc bổ sung trạm sạc mà không nâng cấp hệ thống điện có thể gây quá tải, ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy.
Mặt khác, Hà Nội hiện vẫn chưa có bộ quy chuẩn chung về trạm/trụ sạc điện cho xe. Việc thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất giữa các nhà cung cấp xe điện và trạm sạc dẫn đến khó khăn trong triển khai đồng bộ hạ tầng. Quy hoạch tổng thể về lưới điện và mạng lưới sạc điện chưa hoàn thiện, đòi hỏi thành phố phải khảo sát, tính toán chi tiết về công suất nguồn và khả năng tích hợp vào quy hoạch đô thị.
Ngoài hạ tầng, chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chuyển đổi phương tiện xanh hiện vẫn đang ở giai đoạn xây dựng. Các doanh nghiệp vận tải điện hóa phương tiện vẫn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn. Thành phố đang giao các sở, ngành phối hợp xây dựng cơ chế cho vay ưu đãi, miễn giảm lệ phí, hỗ trợ chi phí đầu tư trạm sạc và phương tiện xanh. Dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện và phát triển trạm sạc đang được lấy ý kiến và sẽ trình HĐND Thành phố vào tháng 9/2025. Dự kiến nghị quyết sẽ bao gồm các giải pháp đồng bộ như tích hợp trạm sạc vào quy hoạch đô thị, nâng cấp lưới điện tại bến bãi, khu dân cư và có cơ chế tài chính hấp dẫn để thu hút đầu tư xã hội hóa.
Cùng với đó, thành phố cũng đang nghiên cứu tổ chức các tuyến mini buýt điện trong khu vực vành đai 1 nhằm phục vụ người dân và khách du lịch, góp phần hạn chế xe cá nhân. Việc kết nối liên thông giữa các loại hình vận tải xanh, mở rộng phạm vi phục vụ của phương tiện công cộng cũng được đẩy mạnh, giúp người dân dần thay đổi thói quen di chuyển.
Mặc dù quá trình chuyển đổi xanh ở Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm, song các kết quả bước đầu là cơ sở để tin tưởng vào một tương lai giao thông bền vững. Với định hướng rõ ràng, chính sách đang từng bước hoàn thiện và sự phối hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ, Hà Nội đang trên hành trình vững chắc hướng tới mục tiêu xây dựng một đô thị xanh, thông minh và thân thiện với môi trường.
P.T