0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 12/07/2025 06:56 (GMT+7)

Hà Nội cho phép sử dụng đất bãi sông làm nông nghiệp kết hợp du lịch

Theo dõi KT&TD trên

Hà Nội cho phép dùng quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm.

Nghị quyết về hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại các bãi sông, bãi nổi thuộc các tuyến sông có đê vừa được HĐND thành phố thông qua ngày 10/7.

Hà Nội cho phép sử dụng đất bãi sông làm nông nghiệp kết hợp du lịch - Ảnh 1
Nghị quyết cho phép được sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai nhưng hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường.

Theo đó, việc sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm phải đáp ứng các điều kiện sau: đang quản lý, sử dụng đất hợp pháp hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nghị quyết yêu cầu việc sử dụng, khai thác quỹ đất phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch khác liên quan; tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, đất đai, xây dựng và pháp luật khác liên quan; không làm tăng rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường, nguồn nước; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; phù hợp với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, môi trường, khí tượng thủy văn; phải có phương án chủ động và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra.

Việc sử dụng quỹ đất bãi bồi, bãi nổi phải đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường. Công trình xây dựng, lắp dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê chỉ được tồn tại có thời hạn và phải sử dụng đúng mục đích; tuyệt đối không được sử dụng vào mục đích để ở; không chứa hóa chất độc hại.

Đối với hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất, sản xuất nông nghiệp trên bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải ưu tiên các loại cây trồng chịu úng tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Điều kiện được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng, lắp dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là khu đất phải có diện tích từ 1.000m2 trở lên (bao gồm một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một người sử dụng đất); vị trí xây dựng, lắp dựng công trình nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, không thuộc khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, không thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập, lụt do lũ trên sông, cao độ tự nhiên tương đương mực nước lũ báo động I tại khu vực trở lên; cam kết không san lấp, tôn cao bãi sông hiện có; tự tháo dỡ công trình, không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi, thực hiện các dự án.

Về diện tích công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp: tối đa 10 m2 đối với khu đất có quy mô từ 1.000 m2 đến 5.000 m2; tối đa 15 m2 đối với khu đất có quy mô từ trên 5.000 m2 đến 10.000 m2; tối đa 20 m2 đối với khu đất có quy mô trên 10.000 m2 trở lên. Hình thức công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ được xây dựng, lắp dựng 1 tầng, chiều cao không quá 4m, không có tầng hầm; kết cấu công trình bán kiên cố, dễ tháo dỡ, mái lợp vật liệu nhẹ; được lắp dựng công trình dạng nhà màng, nhà lưới, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tháo lắp dễ dàng (cột tre, gỗ, thép) nhưng không xây dựng tường bao, tường rào, không lợp mái, không san lấp, tôn cao bãi sông hiện trạng.

Điều kiện được sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm (không bao gồm khu chăn nuôi tập trung, khu trồng cây lâu năm): tổng diện tích khu đất từ 10.000 m2 trở lên (bao gồm một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một người sử dụng đất). Phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, trong đó bao gồm giải pháp thiết kế xây dựng công trình trên đất được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Việc sử dụng, khai thác quỹ đất phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch khác liên quan; tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, đất đai, xây dựng và pháp luật khác liên quan; không làm tăng rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường, nguồn nước; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; phù hợp với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, môi trường, khí tượng thủy văn; phải có phương án chủ động và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra.

Đối với công trình xây dựng, lắp dựng để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm: vị trí xây dựng, lắp dựng công trình nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, không thuộc khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, không thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập, lụt do lũ trên sông, cao độ tự nhiên tương đương mực nước lũ báo động I tại khu vực trở lên; đồng thời phù hợp với quy định về sử dụng bãi sông theo quy hoạch phòng, chống lũ. Cụ thể: đối với bãi sông thuộc hệ thống sông Đáy, phải nằm ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ; đối với bãi sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, phải nằm ở khu vực bãi sông được nghiên cứu xây dựng.

Tổ chức, cá nhân khai thác quỹ đất cam kết không san lấp, tôn cao bãi sông hiện có; tự tháo dỡ, di chuyển công trình, không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi, thực hiện các dự án. Tổng diện tích xây dựng các công trình không vượt quá 5% phần diện tích khu đất nằm ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ đối với hệ thống sông Đáy, hoặc thuộc khu vực bãi sông được nghiên cứu xây dựng đối với hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (không bao gồm công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung).

Thiết kế công trình phải phù hợp với đặc điểm địa hình bãi sông, bãi nổi, tuân thủ các yêu cầu thiết kế xây dựng, đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ, ổn định bờ bãi sông; không đắp bờ, tôn cao bãi sông. Kết cấu công trình bán kiên cố, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển; công trình xây dựng 1 tầng, chiều cao không quá 6,0 m và không có tầng hầm.

Về thẩm quyền, UBND thành phố quyết định cho phép sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật Thủ đô, pháp luật về đất đai. UBND cấp xã kiểm tra, chấp thuận, gia hạn hoặc trình cấp có thẩm quyền chấp thuận, gia hạn phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích (trong đó bao gồm cả cấp phép xây dựng, lắp dựng công trình trên đất) để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, đê điều, pháp luật khác liên quan.

Nghị quyết quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng quy định trong quá trình sử dụng đất kết hợp mà người sử dụng đất không tiếp tục sử dụng theo phương án đã được chấp thuận thì phải có văn bản gửi UBND cấp xã và phải khôi phục lại để đủ điều kiện tiếp tục sử dụng vào mục đích chính theo quy định. Khi hết thời hạn sử dụng đất vào mục đích kết hợp mà không được gia hạn, tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm khôi phục lại để đủ điều kiện sử dụng đất vào mục đích chính theo phương án đã được chấp thuận.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội cho phép sử dụng đất bãi sông làm nông nghiệp kết hợp du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cơ hội cho thị trường bất động sản sau sáp nhập tỉnh thành
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm tinh gọn bộ máy và tối ưu hóa nguồn lực, đang tạo ra những chuyển động mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng
Giá chung cư tại Hà Nội vẫn tiếp tục lập đỉnh, tăng đều từ cuối 2023 đến giữa năm 2025, hiện trung bình ở mức 70 - 80 triệu đồng/m², với những dự án cao cấp vượt 150 triệu.
Nhà giữa đảo, đảo giữa hoa: Hành trình cảm xúc tại Đảo châu Âu
Giữa miền đất Nghệ An, một hành trình châu Âu lãng mạn đang chờ đợi giới tinh hoa. Đảo châu Âu - phân khu kín đáo, cao cấp nhất tại Eco Central Park sẽ mang đến trải nghiệm sống đậm chất châu Âu với bốn cụm đảo hoa độc đáo, giúp cư dân thưởng thức phong cách sống thanh lịch, lãng mạn, duyên dáng.
Căn hộ mini, phòng trọ mới “hút” tân sinh viên
Mới đầu tháng 7 nhưng nhiều phụ huynh, học sinh đã săn tìm thuê phòng trọ gần các trường đại học lớn ở Hà Nội. Những dãy trọ, chung cư mini mới cũng được gấp rút hoàn thiện, tuy nhiên giá thuê không hề rẻ.

Tin mới

“Siết” thuế bán hàng online: Tăng thu ngân sách, đảm bảo công bằng kinh doanh
Trong bối cảnh TMĐT phát triển bùng nổ tại Việt Nam, việc bán hàng qua các nền tảng trực tuyến đã trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế, nhất là khi có không ít cá nhân, hộ KD online chưa kê khai không đầy đủ.
Bộ Y tế yêu cầu không để khan hiếm thuốc điều trị
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc đảm bảo cung ứng, không để khan hiếm thuốc ảnh hưởng tới điều trị.
Giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng
Giá chung cư tại Hà Nội vẫn tiếp tục lập đỉnh, tăng đều từ cuối 2023 đến giữa năm 2025, hiện trung bình ở mức 70 - 80 triệu đồng/m², với những dự án cao cấp vượt 150 triệu.