Hà Nội: Chi 3 triệu USD mua ý tưởng phát triển Thủ đô
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thành phố đã chi 3 triệu USD mua ý tưởng phát triển Thủ đô từ đơn vị tư vấn nước ngoài bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Sáng 1/12, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh và các đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hà Nội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc trực tiếp kết hợp trực tuyến với cử tri huyện Sóc Sơn, Mê Linh sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Sau khi nghe báo cáo, cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn kiến nghị chính sách liên quan đến thủ đô và cuộc sống. Theo đó, cử tri mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có thêm nhiều chính sách phát triển thành phố và công tác an sinh xã hội.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, tổ đại biểu sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố để báo cáo với Quốc hội.
Đề cập các nhiệm vụ trọng tâm đang triển khai, ông Trần Sỹ Thanh cho biết: Thành phố đồng thời xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (quy hoạch 1259). Thành phố đã xin được khoản tài trợ 3 triệu USD (khoảng 72 tỷ đồng) để mua toàn bộ ý tưởng về phát triển của công ty tư vấn hàng đầu thế giới và rất am hiểu về Việt Nam.
Thành phố đã lấy ý kiến, tham vấn các nhân sĩ, trí thức trong nước, tổ chức nhiều cuộc hội thảo và kết hợp ý tưởng của nước ngoài để xây dựng, hoàn thiện đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030.
Đây là lần đầu tiên thông tin việc mua ý tưởng phát triển Thủ đô được thông tin rộng rãi. Trước đó hôm 31/10, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc họp với các bên liên quan nghe kết quả nghiên cứu "Thành phố Hà Nội: Ý tưởng đột phá và chiến lược" sau hơn 2 tháng triển khai.
Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, các đơn vị đã đưa ra sáu ý tưởng đột phá giúp Hà Nội có thể đạt được mục tiêu trở thành Thủ đô kết nối toàn cầu, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa và xã hội vào năm 2045. Đó là văn hóa và di sản; đô thị xanh và bền vững; sức hút đầu tư; kinh tế số/xã hội số; hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; môi trường đáng sống.
Thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 6,2%; thu ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực về an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, quốc phòng - an ninh đều được bảo đảm và có kết quả tích cực.
Trong năm qua, UBND Thành phố Hà Nội đã phân cấp cho các địa phương 9 lĩnh vực; phân cấp 16 lĩnh vực cho các sở, ban, ngành với tổng số 708 thủ tục hành chính. “Trong quá trình thực hiện, thành phố rút ra 2 bài học. Một là, thấy đúng thì phải quyết tâm làm; hai là đã làm thì phải quyết liệt. Khi thực hiện phân cấp, ủy quyền thì rõ ràng công việc được sát sao hơn”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu.
Về đầu tư công, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: Năm 2024, Chính phủ giao Thành phố Hà Nội chi đầu tư công số tiền là 80.000 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2023 Thành phố Hà Nội được giao 50.000 tỷ đồng, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng tiêu đầu tư công “rất vất vả”. “Sang năm với 80.000 tỉ đồng đấy mà người dân, cử tri không ủng hộ, không có sự đồng thuận chung của người dân, cán bộ như trong việc giải phóng mặt bằng các dự án… thì không tiêu nổi”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhận định.