Hạ Long (Quảng Ninh):Sai phạm trên đất rừng không xử lý dứt điểm, trách nhiệm của chính quyền ở đâu?
Khu đất rừng tại lô C3, khoảnh 43, tiểu khu 100 thuộc khu dân cư số 4, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long từ lâu đã bị một số cá nhân xây dựng các công trình không phép.
Dù chính quyền thành phố đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ, nhưng đến nay, khi những sai phạm cũ chưa bị xử lý thì sai phạm mới tiếp tục diễn ra.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, từ năm 2005, Công ty TNHH Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) đã được Ban quản lý rừng đặc dụng Cảnh quan môi trường Hạ Long (cơ quan nay đã giải thể) giao 22,39ha rừng và đất rừng thuộc tiểu khu 100 phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long. Việc giao khoán với mục đích bảo vệ rừng, đầu tư sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái rừng. Thời hạn giao khoán là 50 năm kể từ ngày 01/01/2006. Sau đó, ngày 1/11/2006, Ban quản lý rừng đặc dụng Cảnh quan môi trường Hạ Long tiếp tục giao khoán rừng và đất rừng đợt II cho Công ty Tài Nguyên tại các khoảnh 38,42,43 thuộc tiểu khu 100 với diện tích 18,7ha, nâng tổng số đất rừng giao khoán cho Công ty Tài Nguyên lên 41,09ha.
Điều đáng nói, trong phần diện tích đất rừng đã bàn giao cho Công ty Tài Nguyên, ở phía Đông khu đất, một cụm công trình xây dựng kiên cố với diện tích khoảng 1ha bao gồm: Nhà sàn bằng gỗ, một số căn nhà cấp 4, phía trước ngôi nhà được chủ sở hữu xây dựng ao nước, sân bê tông và các công trình xung quanh.
Ngày 6/3/2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Việt Hùng đã ký Quyết định số 163/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Phạm Hùng Cường (chủ sở hữu các công trình trên) tại lô C3, khoảnh 43, tiểu khu 100 phường Bãi Cháy. Trong Quyết định 163/QĐ-KPHQ nêu rõ, ông Phạm Hùng Cường đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công xây dựng công trình khác không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.
Theo đó, buộc ông Phạm Hùng Cường phải tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận Quyết định, hộ ông Phạm Hùng Cường không tự tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế tháo dỡ.
Đến ngày 16/6/2020, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long tiếp tục ra Quyết định số 423/QĐ-CC về việc cưỡng chế thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 163/QĐ-KPHQ ngày 6/3/2020 của UBND thành phố Hạ Long.
Biện pháp cưỡng chế gồm: Di chuyển người và tài sản ra khỏi công trình khác xây dựng không có giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp tại lô C3, khoảnh 43, tiểu khu 100 phường Bãi Cháy để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong quá trình thực hiện cưỡng chế. Phá dỡ toàn bộ công trình khác xây dựng không có giấy phép xây dựng…
Quyết định 423/QĐ-CC cũng giao cho Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy chủ trì lập kế hoạch, phương án phá dỡ và tổ chức thực hiện cưỡng chế. Giao cho Công an thành phố, Phòng Quản lý đô thị, Đội kiểm tra trật tự đô thị & môi trường, Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố Hạ Long và các đơn vị, cá nhân phối hợp thực hiện.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đến nay đã gần 4 năm kể từ ngày UBND thành phố Hạ Long ban hành các quyết định trên, thì hiện trạng các công trình vi phạm của ông Phạm Hùng Cường vẫn đang tồn tại nguyên vẹn. Bên cạnh đó, năm 2023, ông Cường tiếp tục tiến hành sửa chữa, xây dựng thêm các hạng mục công trình nhà kiên cố, bể cá, lát sân, san gạt đất rừng để làm mặt bằng, xung quanh các công trình vi phạm đã được làm hàng rào thép kiên cố.
Trao đổi với phóng viên, ông Khúc Văn Tốt – Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy cho biết: Đối với quần thể các công trình của ông Phạm Hùng Cường, một số công trình xây dựng từ giai đoạn năm 2002. Chính quyền phường giai đoạn trước cũng đã lập hồ sơ vi phạm hành chính. Thời gian qua, UBND phường Bãi Cháy cũng đã đôn đốc ông cường thực hiện các biện pháp tự tháo dỡ. Các công trình mới như phóng viên phản ánh, thì được ông Cường cho cải tạo từ các hiện trạng công trình cũ, không phải là xây dựng mới. UBND phường cũng đã lập biên bản đôn đốc thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và yêu cầu ông Cường dừng mọi hoạt động cải tạo, sửa chữa.
Đối với việc san gạt đất rừng, cán bộ địa chính phường Bãi Cháy cũng thừa nhận, vừa qua, ông Cường có thuê máy móc về san gạt, UBND phường cũng đã ngăn chặn kịp thời hoạt động này.
Khi được hỏi về trách nhiệm của UBND phường Bãi Cháy về việc để các sai phạm cũ không xử lý dứt điểm và các hoạt động xây dựng, cải tạo mới tiếp tục diễn ra dù chính quyền đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công. Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy Khúc Văn Tốt cho biết: Những sai phạm này đã tồn tại từ lâu, lãnh đạo phường cũng mới về công tác. Vì vậy, chính quyền phường sẽ tiếp tục rà soát lại hiện trạng và những hồ sơ đã có để tham mưu cho UBND thành phố Hạ Long thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, kể từ ngày UBND thành phố Hạ Long ban hành các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục và cưỡng chế đối với cụm công trình sai phạm của ông Phạm Hùng Cường đến nay đã gần 4 năm. Tuy nhiên, nội dung các quyết định nêu trên vẫn chưa được thực thi, để rồi cá nhân sai phạm lại tiếp tục có những hoạt động xây dựng, cải tạo công trình kiên cố, bề thế hơn.
Điều đáng nói, khi được hỏi về kế hoạch xử lý vi phạm tại khu vực này, lãnh đạo UBND phường Bãi Cháy và cán bộ địa chính không đưa ra được các biện pháp cụ thể trong thời gian tới, mà thay vào đó là những câu trả lời chung chung và nhiều lý do khó khăn để biện minh cho việc lần lữa xử lý sai phạm. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn, liệu chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thành phố Hạ Long, phường Bãi Cháy không đủ quyết liệt để thực thi các quy định của pháp luật hay đang cố tình bao che cho sai phạm?