Gỡ vướng trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy
Thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ Xây dựng, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ thống nhất những biện pháp, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy chữa cháy.
Bổ sung thêm một số nội dung hướng dẫn QCVN 06:2022/BXD
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) thống nhất và có bổ sung thêm một số nội dung hướng dẫn QCVN 06:2022/BXD theo Công văn số 1397/BXD-KHCN ngày 11/4/2023 của Bộ Xây dựng.
Sau khi đã có sự thống nhất nội dung giữa 2 bên, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã có Công văn số 1091/C07-P3, P4, P7 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn PCCC. Trong đó, một số nội dung quan trọng như thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC… đã được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nêu cụ thể để công an địa phương nắm rõ, trên cơ sở đó hướng dẫn các chủ đầu tư, chủ cơ sở, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khắc phục tồn tại và thực hiện quy định được dễ dàng hơn.
Đối với thẩm duyệt thiết kế về PCCC, về yêu cầu đối với các thành phần hồ sơ thẩm duyệt, đối với thành phần pháp lý của dự án, công trình tại hồ sơ đề nghị thẩm duyệt chỉ phục vụ kiểm tra thành phần hồ sơ và pháp lý của chủ đầu tư, nội dung để thẩm duyệt thiết kế về PCCC chỉ bao gồm các nội dung về kỹ thuật quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, không yêu cầu xem xét các nội dung khác.
Lưu ý áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thời điểm chuyển tiếp
Về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thời điểm chuyển tiếp, đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh; không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.
Ví dụ: Công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở theo QCVN 06:2021/BXD, chủ đầu tư được lựa chọn tiếp tục sử dụng QCVN 06:2021/BXD để thiết kế kỹ thuật. Do đó, mặc dù QCVN 06:2022/BXD không quy định giải pháp bọc bảo vệ kết cấu bằng thạch cao, chủ đầu tư vẫn được lựa chọn để áp dụng giải pháp bọc bảo vệ theo phụ lục F của QCVN 06:2021/BXD; khi nghiệm thu về PCCC đối với nội dung này không yêu cầu giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC cho mẫu kết cấu được bọc bảo vệ.
Đối với công trình đã thực hiện chỉnh sửa thiết kế PCCC theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH theo phiên bản quy chuẩn QCVN trước thì tiếp tục được áp dụng theo phiên bản quy chuẩn đó; khuyến khích áp dụng phiên bản QCVN 06 hiện hành.
Công trình đã được thẩm duyệt theo QCVN 06, TCVN 3890, TCVN 7336, TCVN 5738 phiên bản trước, nay thẩm duyệt điều chỉnh hoặc cải tạo mà thiết kế điều chỉnh, cải tạo không làm thay đổi quy mô, công năng chính của nhà thì cho phép lựa chọn áp dụng phiên bản nêu trên tại thời điểm cấp giấy thẩm duyệt để thẩm duyệt điều chỉnh mà không phải sử dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới để không làm thay đổi giải pháp an toàn cháy tổng thể của công trình, ngoại trừ các trường hợp chuyển tiếp đã được quy định cụ thể trong từng quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thiết kế đề xuất áp dụng một số quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn mới ban hành có yêu cầu thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây thì có thể nghiên cứu để thẩm duyệt theo nội dung của quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.
Một số trường hợp cụ thể của QCVN 06:2022/BXD như về mở rộng diện tích khoang cháy, căn cứ theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, nhà sản xuất có kết cấu khung thép mái tôn, bậc chịu lửa IV có diện tích khoang cháy không quá 2.600m2 (không quá 5.200m2 khi có chữa cháy tự động), trường hợp chủ đầu tư muốn nâng bậc chịu lửa của công trình để mở rộng diện tích khoang cháy thì phải sử dụng các biện pháp bọc bảo vệ cấu kiện bằng các vật liệu ngăn cháy.
Hiện nay, có thể hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh áp dụng theo QCVN 06:2022/BXD để được tăng diện tích khoang cháy đến 25.000m2 và không cần nâng bậc chịu lửa của công trình.
Trường hợp đã kiểm định sơn chống cháy theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho từng công trình cụ thể thì tiếp tục thi công và tổ chức nghiệm thu theo giấy chứng nhận kiểm định đã có cho sơn chống cháy.
Trường hợp đã thi công sơn chống cháy nhưng chưa kiểm định thì có thể kiểm định bổ sung cho mẫu kết cấu được sơn chống cháy theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Trường hợp đã thi công sơn chống cháy nhưng kiểm định không đạt yêu cầu, nếu không thẩm duyệt điều chỉnh thì có thể lựa chọn 1 số loại sơn chống cháy khác đạt chất lượng để thay thế sơn chống cháy đã thi công hoặc sử dụng các biện pháp bọc bảo vệ khác.
Về khoảng cách an toàn PCCC, theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, khoảng cách an toàn PCCC giữa 02 nhà xưởng bậc chịu lửa IV, V yêu cầu không nhỏ hơn 18m, có thể hướng dẫn thẩm duyệt điều chỉnh áp dụng theo quy định tại Bảng E.3 QCVN 06:2022/BXD để khoảng cách này được giảm xuống, chỉ yêu cầu hơn 6 m khi xác định theo đường giới hoặc đường quy ước.
Cách xác định khoảng cách an toàn PCCC quy định tại Điều 4.33 và Điều E.1, E.2, E.3 Phụ lục E QCVN 06:2022/BXD: có thể xác định khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình theo quy định tại E.1, E.2 hoặc xác định khoảng cách an toàn đến đường ranh giới theo quy định tại E.3…
Trong văn bản trên, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn thêm về tính toán, thiết kế kết cấu chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, giải pháp thoát nạn, trang bị phương tiện PCCC, giải pháp chống tụ khói, cấp nước chữa cháy ngoài nhà cho một số loại hình công trình đặc thù…
Tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng
Đối với nghiệm thu PCCC, về nghiệm thu từng phần, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, cần hướng dẫn chủ đầu tư các giải pháp, yêu cầu để được nghiệm thu từng phần theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Việc bảo đảm tính độc lập của nhà (dân dụng, công nghiệp) cần đánh giá đầy đủ các giải pháp an toàn PCCC bao gồm giao thông cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp về kết cấu, lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy...
Đối với hạ tầng khu công nghiệp có thể nghiệm thu từng phần khi bảo đảm khu vực hạ tầng được nghiệm thu hoạt động độc lập (đường giao thông cho xe chữa cháy tiếp cận, hệ thống cấp nước ngoài nhà bảo đảm lưu lượng, đấu nối mạch vòng, trang bị xe chữa cháy đối với khu có quy mô từ 50ha trở lên).
Về việc nghiệm thu đối với kết cấu được bọc bảo vệ, các công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC với giải pháp bọc bảo vệ kết cấu theo Phụ lục F QCVN 06:2021/BXD mà trong QCVN 06:2022/BXD không còn quy định thì khi nghiệm thu không yêu cầu phải kiểm định cho các kết cấu bọc bảo vệ này mà chỉ kiểm tra việc thi công phù hợp với thiết kế được duyệt và quy định tại Phụ lục F QCVN 06:2021/BXD.
Đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy, cần hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung tính toán thiết kế kết cấu chịu lực công trình trong điều kiện làm việc chịu lửa, thực hiện bởi đơn vị tư vấn cá nhân tư vấn bảo đảm điều kiện, năng lực theo quy định và chịu trách nhiệm về kết quả tính toán; sau đó căn cứ điều kiện thực tế đã thiết kế, thi công của từng dự án, công trình để có phương án tháo gỡ…
Yến Mai