0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 05/11/2024 10:25 (GMT+7)

Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số

Theo dõi KT&TD trên

Thực tế, các quốc gia đang phát triển muốn bao phủ nhanh và hiệu quả dịch vụ tài chính chính thức. Theo đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa các kênh cung ứng dịch vụ tài chính hiện đại.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số dịch vụ tài chính, song thực trạng bức tranh tiếp cận dịch vụ cho thấy vẫn còn dư địa lớn để cải thiện, đặc biệt là với nhóm thu nhập thấp.

Chính phủ vào cuộc

Tài chính toàn diện đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã mang lại hiệu quả trong việc giúp người dân tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng ở nhóm thu nhập thấp nhất, mức độ cải thiện cũng như khoảng cách với các nhóm thu nhập cao hơn là rất lớn.

Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số
Ảnh minh họa: BT

Liên hợp quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong số 17 mục tiêu Phát triển bền vững đến 2030. Đến nay, hơn 80 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện. Kết quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện ở các quốc gia đều ghi nhận sự đóng góp to lớn vào xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển. Tăng trưởng nhanh gắn liền với phát triển bền vững, xây dựng “dân giàu, nước mạnh”, “mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” là mục tiêu tiên quyết của Việt Nam. Trong tiến trình đó, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).

Chiến lược xác định đối tượng là “Tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh”; hướng tới mục tiêu “Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.

Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp. Trong đó, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo được xác định là thành tố quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược. Tuy nhiên, đối với nhóm thu nhập thấp nhất, mức độ cải thiện cũng như khoảng cách với các nhóm thu nhập cao hơn vẫn còn rất lớn.

Người thu nhập thấp được hưởng lợi

Tại Tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam” tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) và nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, về sở hữu tài khoản, trong năm 2022, tỷ trọng người trưởng thành có tài khoản ngân hàng chỉ đạt 25,1% ở nhóm có mức thu nhập thấp nhất, cách xa đáng kể so với tỷ lệ của nhóm thu nhập cao nhất là 67,9%. Nhóm có thu nhập thấp nhất cũng có mức độ cải thiện thấp nhất về sở hữu tài khoản (chỉ tăng 6% sau 5 năm) trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có sự cải thiện vượt trội.

Về hoạt động gửi tiết kiệm, nhóm thu nhập thấp nhất rất ít gửi tiết kiệm tại các tổ chức tài chính và mobile money; mức độ cải thiện của tình trạng này hầu như không đáng kể theo thời gian. Tỷ trọng tương ứng chỉ là 5,8% vào năm 2022, tăng rất nhẹ từ mức 5,6% năm 2017.

Về hoạt động thanh toán, khi thanh toán các hóa đơn, tỷ trọng người thu nhập thấp thanh toán từ tài khoản chỉ là 2,9%, trong khi thanh toán tiền mặt là 51,2%. Như vậy, nhóm thu nhập thấp nhất vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt để thanh toán cho các giao dịch hàng ngày và họ cũng ít thực hiện các giao dịch thanh toán qua kênh kỹ thuật số hơn so với các nhóm thu nhập cao hơn.

Khi phân tích dưới góc độ tiêu chí của khái niệm tài chính toàn diện được nêu trong Chiến lược, kết quả nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân của sự cải thiện chậm chạp trong tiếp cận dịch vụ tài chính ở nhóm có thu nhập thấp.

Theo đó, đối với tiêu chí thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, kênh tài chính hiện đại dường như chưa đáp ứng được. Đối với nhóm thu nhập thấp nhất, năm 2017 có 2 lý do chính ngăn cản họ có tài khoản ngân hàng, đó là thiếu tiền (58,4%) và tổ chức tài chính quá xa (14,8%). Tới năm 2022, tỷ trọng “thiếu tiền” giảm xuống 32,5% nhờ thu nhập được cải thiện, trong khi trở ngại tăng lên ở lý do tổ chức tài chính quá xa (23,1%). Đó là chưa kể “thiếu các giấy tờ cần thiết” cũng là lý do khiến nhóm thu nhập thấp nhất không mở tài khoản, với tỷ trọng 13,1% vào năm 2022, cao hơn so với mức trung bình là 8,9%.

“Từ kết quả thực hiện Chiến lược và bối cảnh hiện nay, cần phải nhìn nhận sâu sắc hơn về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với nhóm đối tượng là người thu nhập thấp. Nhóm đối tượng này rất dễ bị tổn thương trong cuộc sống và một trong những cách bảo vệ đối tượng này là giúp họ có khả năng tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức và ngăn họ tiếp cận với “tín dụng đen””, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng công cụ là tài chính vi mô và các công ty fintech với những lợi thế vượt trội so với các tổ chức tài chính truyền thống cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Tỷ trọng người dân Việt Nam sở hữu điện thoại là 94,8% (ở nhóm thu nhập thấp nhất là 91,3%) trong khi tỷ trọng người dân tiếp cận internet lần lượt là 80,3% và 60,4%. Với khoảng cách này, dư địa để cải thiện tỷ trọng người dân tiếp cận internet còn rất lớn ở nhóm thu nhập thấp nhất, là cơ hội để nhóm này tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính thông qua các fintech với lợi thế về công nghệ hiện đại.

Bảo Thoa

Bạn đang đọc bài viết Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chiến lược quan trọng cho sự phát triển bền vững
Những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố năng động trong nền kinh tế toàn cầu với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò xúc tác quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước.
Hà Nội xác định 3 giai đoạn phát triển giao thông thông minh
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong giám sát giao thông bằng camera, giám sát các phương tiện vận tải bằng thiết bị giám sát hành trình, xây dựng một số ứng dụng phục vụ đỗ xe, tìm tuyến xe bus... Đây là những tiền đề đầu tiên để triển khai hệ thống giao thông thông minh
Cảnh báo chiêu lừa mua vé chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”
Trước sức hút của hai chương trình âm nhạc lớn là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh Trai Say Hi”, nhiều fan hâm mộ không thể đăng ký mua được vé khi Ban Tổ chức mở bán, nên đã phải tìm mua lại vé trên mạng. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, khiến nhiều người bị mất tiền.

Tin mới

Mật ong rừng Việt Nam - Tiềm năng lớn cần được khai phá
Mật ong rừng tự nhiên là một trong những sản vật quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Việt Nam. Với hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú trải dài từ Tây Nguyên, Tây Bắc đến Nam Trung Bộ, mật ong rừng Việt Nam nổi bật với độ tinh khiết và giá trị dinh dưỡng cao.
Xu hướng mua sắm mùa Tết 2025
Trước bối cảnh kinh tế còn khó khăn, các chuyên gia cho rằng, dịp Tết năm 2025, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng tiếp tục là mùa Tết tiết kiệm, đơn giản và thiết thực.
Các nhà bán lẻ nỗ lực ổn định nguồn cung, kỳ vọng thị trường bùng nổ cuối năm
Cuối năm là thời điểm “vàng” của ngành bán lẻ, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh để chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết. Để thành công trong mùa mua sắm cuối năm, ngành bán lẻ không chỉ phải chuẩn bị kỹ lưỡng về hàng hóa, mà còn phải triển khai các chiến lược kích cầu, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam bứt phá, hướng đến kỷ lục 7,2 tỷ USD
Ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang chứng kiến một bước tiến vượt bậc trong năm 2024. Với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu rau quả dự kiến đạt mốc 7,2 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.