0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 12/03/2025 14:01 (GMT+7)

Giới chuyên gia “hiến kế” thực hiện mô hình Quỹ nhà ở quốc gia

Theo dõi KT&TD trên

Tại Hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vừa qua,

Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC Bình Dương) kiến nghị: Cần sớm xây dựng Quỹ nhà ở quốc gia để phát triển ổn định bền vững thị trường bất động sản.

Giới chuyên gia “hiến kế” thực hiện mô hình Quỹ nhà ở quốc gia
Mô hình nhà ở xã hội do Becamex IDC Bình Dương đầu tư xây dựng từ kinh nghiệm và triết lý “góp tiền thuê trọ thành nhà” để hỗ trợ người lao động an cư lạc nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng, bên cạnh việc rất cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính quyền và doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương với nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, giao tiến độ thực hiện thì cần sớm xây dựng quỹ nhà ở quốc gia gắn với cơ sở dữ liệu về dân số, thu nhập, từ đó chúng ta có sự chuẩn bị về kế hoạch xây dựng, phát triển, tránh sự bị động.

Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương hồi tháng 2/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở ý tưởng thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Sau đó, tổng kết trong Hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu mô hình Quỹ nhà ở quốc gia.

Như vậy, Quỹ nhà ở quốc gia được đánh giá là một giải pháp quan trọng giúp giải quyết bài toán nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp tại các đô thị lớn. Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai Quỹ nhà ở quốc gia là hướng đi mang tính chiến lược, chính vì thế cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả lâu dài, bền vững.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá: Nếu được triển khai hiệu quả, Quỹ nhà ở quốc gia sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng, không chỉ giúp hàng triệu người dân có cơ hội tiếp cận nhà ở phù hợp, mà còn góp phần điều tiết thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới

Nhìn vào các mô hình quỹ nhà ở thành công trên thế giới như: Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF) của Singapore hay Quỹ Dự phòng nhà ở (HPF) của Trung Quốc, có thể thấy rằng điểm chung của các mô hình này là cơ chế vận hành minh bạch và sự gắn kết chặt chẽ với hệ thống tài chính - tín dụng. Điều kiện cốt lõi giúp các quỹ này hoạt động hiệu quả gồm ba yếu tố chính.

Thứ nhất, nguồn vốn ổn định. Các quỹ này không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước mà còn được bổ sung từ đóng góp của người lao động và doanh nghiệp, cùng với cơ chế đầu tư sinh lời để đảm bảo dòng tiền luân chuyển liên tục. Chẳng hạn quỹ CPF của Singapore được xây dựng như một hệ thống tiết kiệm bắt buộc, giúp người dân tích lũy dần dần và có thể sử dụng để mua nhà.

Thứ hai, cơ chế vận hành minh bạch, đảm bảo vốn đến đúng đối tượng. Các quỹ này thường có hệ thống xét duyệt chặt chẽ, xác định rõ ai đủ điều kiện hưởng ưu đãi, đồng thời có các cơ chế giám sát để tránh trục lợi chính sách. Trung Quốc, với quỹ HPF sẽ yêu cầu người lao động và doanh nghiệp đóng góp một phần thu nhập vào quỹ, sau đó họ có thể vay mua nhà với lãi suất thấp, nhưng chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện cụ thể về nhu cầu thực tế.

Thứ ba, chính sách đồng bộ. Quỹ nhà ở thường đi kèm với các chính sách thuế, tín dụng và quy hoạch hợp lý để tạo ra một hệ sinh thái phát triển nhà ở bền vững. Điều này giúp cân bằng cung - cầu, hạn chế đầu cơ và hỗ trợ đúng nhóm đối tượng cần thiết.

TS Trần Xuân Lượng, Chuyên ngành bất động sản (Đại học Kinh tế quốc dân) nhìn nhận, phần lớn chủ đầu tư, người mua nhà đang phụ thuộc vào quỹ tín dụng, tức là vốn đi vay và gánh lãi suất thả nổi theo thị trường. Trên thực tế, không có một quốc gia nào phát triển nhà ở như thế. Thay vào đó, họ xây dựng các quỹ phát triển nhà ở giống như quỹ tiết kiệm, bảo hiểm xã hội.

Theo đó, người dân trích một phần lương của mình để góp vào quỹ. Sau này, họ sẽ được sử dụng nhà xây bằng quỹ đó với giá rẻ, không phải giá thị trường. "Thậm chí, khi quỹ chưa có nhiều, Nhà nước có thể ứng trước một phần bằng nguồn ngân sách để phát triển nhà nhanh, sớm hơn", TS Trần Xuân Lượng nói.

Chuyên gia “hiến kế” khi thực hiện tại Việt Nam

TS. Võ Trí Thành cho rằng: Quỹ nhà ở quốc gia tại Việt Nam cần được xây dựng theo hướng Nhà nước giữ vai trò trung tâm trong việc tạo lập, điều phối và vận hành, cùng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nhằm tối ưu hóa nguồn lực. Quỹ sẽ tập trung vào việc cung cấp nhà ở theo hình thức bán hoặc cho thuê với mức giá ưu đãi cho những người thu nhập trung bình, thấp, công nhân tại các khu công nghiệp, lao động tự do, cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhà ở ổn định và các gia đình trẻ gặp khó khăn về tài chính. Đồng thời, cơ chế xét duyệt và giám sát cần được xây dựng chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát và đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thực sự có nhu cầu. Nếu triển khai bài bản, mô hình này có thể trở thành một giải pháp quan trọng giúp nhiều người dân tiếp cận nhà ở giá hợp lý.

Nguồn vốn của Quỹ Nhà ở quốc gia có thể đến từ nhiều kênh khác nhau. “Trước hết, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước sẽ đóng vai trò là vốn mồi - yếu tố then chốt giúp quỹ vận hành. Đây là nguồn vốn nền tảng giúp tạo niềm tin, kích thích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác vào quá trình phát triển quỹ.

Ngoài ngân sách Nhà nước, việc bổ sung nguồn lực xã hội cũng cần được quan tâm trong quá trình tạo lập Quỹ nhà ở quốc gia. Với tính chất là một chương trình xã hội, nên nguồn vốn quốc tế cũng là một kênh quan trọng cần được tính đến. Việc tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các quỹ đầu tư phát triển đô thị hoặc nguồn vốn ODA sẽ giúp giảm áp lực lên ngân sách và đảm bảo nguồn lực dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.

Cùng với đó, nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp tư nhân là yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp phát triển bất động sản có thể tham gia vào Quỹ thông qua hình thức đồng tài trợ, hợp tác công - tư (PPP) hoặc đầu tư trực tiếp vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ”, TS. Võ Chí Thành chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội, Quỹ nhà ở quốc gia thành lập sẽ điều tiết thị trường về mặt vĩ mô, giá cả. Khi thị trường thiếu nguồn cung, Nhà nước sẽ mở quỹ để phát triển nhà ở, phục vụ an sinh xã hội. Khi nguồn cung vượt quá cầu thì Nhà nước sẽ đóng lại điều tiết tiếp.

Bạn đang đọc bài viết Giới chuyên gia “hiến kế” thực hiện mô hình Quỹ nhà ở quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bất động sản được đánh giá có nhiều diễn biến "nóng"
Từ lâu, bất động sản luôn được xem là “của để dành”, là kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận bền vững theo thời gian, được ví von là “vững như vàng”. Tuy nhiên, sau những biến động mạnh mẽ của thị trường trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn trầm lắng.
Lộ diện trung tâm triển lãm Top 10 thế giới
Trung tâm Triển lãm Việt Nam - quy mô Top 10 thế giới, lớn nhất Đông Nam Á vừa được Tập đoàn Vingroup bàn giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chuẩn bị cho công tác tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội kỷ niệm 80 ngày Quốc khánh, chỉ sau chưa đầy 10 tháng thi công thần tốc.

Tin mới

Nhà sáng lập Ecopark ra mắt Đảo Châu Âu - Biểu tượng Wellness Island đầu tiên tại Nghệ An
Đảo Châu Âu, Eco Central Park lựa chọn mặt nước làm ngôn ngữ thiết kế chủ đạo với những điểm đặc biệt: Mật độ xây dựng 14% - thấp nhất toàn dự án; mỗi m2 xây dựng tương ứng 2m2 mặt nước; mật độ cây xanh mặt nước, cây cổ thụ cao nhất dự án; 100% các căn biệt thự khép kín.
Thị trường chứng khoán chờ đợi bùng nổ về thanh khoản
Sau chuỗi tăng điểm mạnh, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn giằng co, thận trọng. Nhiều chuyên gia nhận định có thể sẽ xuất hiện vài phiên điều chỉnh kỹ thuật trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ mới và dòng tiền có dấu hiệu phân hóa.
Nông nghiệp số – lối ra mới cho kinh tế Nông thôn
Ngày nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, nông nghiệp không còn là ngoại lệ. Khái niệm Nông nghiệp số đang nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn, mở ra những con đường mới và mang lại sức sống cho kinh tế nông thôn Việt Nam.