Giảm thuế VAT đến hết 2024: 'Yên tâm đầu tư khi vòng xoay tiền - hàng được duy trì'
Nhấn mạnh quan điểm cần tiếp tục chính sách giảm thuế để kích cầu kinh tế và nuôi dưỡng nguồn thu.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách giảm 2% thuế GTGT có tác dụng rất lớn.
Chính phủ vừa đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết 30/6/2024.
Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó, quy định chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT năm 2022 áp dụng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) và Nghị quyết số 101/2023/QH15 tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong 6 tháng cuối năm 2023.
Từ thực tiễn thời gian qua, Chính phủ cho rằng chính sách giảm thuế GTGT đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu tiêu dùng.
Theo đó, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như nội dung chính sách giảm thuế GTGT thực hiện trước đó.
Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Ủng hộ đề xuất này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách giảm 2% thuế GTGT có tác dụng rất lớn.
“Chính sách này vừa hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa hỗ trợ người lao động có được công ăn việc làm, tránh tình trạng thất nghiệp, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn, bền vững hơn trong tương lai”, ông Việt nói.
Chính sách này có 3 mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế áp lực lạm phát 2024 và nuôi dưỡng nguồn thu như một biện pháp khoan thư sức dân - chính sách tài khóa mở rộng.
“Điều này đảm bảo doanh nghiệp tồn tại, người dân yên tâm đầu tư khi vòng xoay về tiền - hàng được duy trì. Nếu bây giờ để hàng tồn kho, giá cả tăng, áp lực lạm phát leo thang thì sẽ không thể kích thích cầu tiêu dùng, kéo theo rất nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Việt nêu.
TS Nguyễn Quốc Việt cũng nhấn mạnh rằng chính sách này cũng có tác dụng “an sinh xã hội” cho người nghèo, người thu nhập thấp.
“Một miếng khi đói, một gói khi no. Khi kinh tế gặp khó khă thì người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Những người này tiêu dùng lượng hàng hóa phổ thông, cơ bản chiếm tỷ trọng lớn trong túi tiền của họ. Nếu hàng hóa thiết yếu được hỗ trợ giảm giá thì cũng giảm được một phần chi tiêu của những gia đình nghèo”, ông Việt nói.
Ông Việt đề xuất nên giảm thuế GTGT kéo dài cả năm 2024 và cần có nghị quyết sớm từ đầu năm. Điều này là cần thiết để vừa hỗ trợ kinh tế vĩ mô, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, phục hồi niềm tin tiêu dùng trong nước cho doanh nghiệp và người dân tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nói rằng: “Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% trong năm 2023, bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập, việc làm và niềm tin tiêu dùng, chứng tỏ giảm thuế GTGT đã phát huy giá trị và cần thiết được tiếp nối trong năm 2024”.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỉ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỉ đồng.
Dù thu ngân sách giảm, nhưng việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng.
Kỳ Thư