Giám đốc Sở ATTP TP.HCM: Rộ thông tin kiểm tra, cửa hàng nào cũng kêu hết lòng xe điếu
Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc thanh tra theo kế hoạch sẽ khó hiệu quả bằng thanh tra đột xuất. Đơn cử như vụ lòng xe điếu gần đây, mới rộ thông tin có đoàn kiểm tra thì đến cửa hàng nào cũng kêu hết lòng.
"Thanh tra mà báo trước, đơn vị không "vở sạch chữ đẹp" mới lạ!"
Chiều 8/5, tiếp tục kỳ họp 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM) góp ý vào Luật Thanh tra (sửa đổi). Từ kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, bà Lan chỉ ra thực tế hiện nay kết quả công tác thanh tra chưa có hiệu quả.
"Dù anh em nỗ lực nhưng thường phải chạy theo vụ việc, kết quả chưa đáp ứng mong đợi của người dân, vẫn còn nhiều vi phạm, không riêng trong ngành thực phẩm mà nhiều ngành khác do đó việc sửa luật là cần thiết", bà Lan nói.
Song, nữ ĐBQH chỉ ra ở Luật Thanh tra (sửa đổi) hiện nay tập trung vào thay đổi hệ thống thanh tra, trong đó bỏ cấp sở, quận, huyện, chỉ giữ cấp Chính phủ, tỉnh/thành.
Bà băn khoăn khi giảm cấp sẽ phải giảm biên chế, vậy phải xây dựng mô hình như thế nào để Thanh tra Chính phủ có thể bao quát hết các chuyên ngành.
"Về bản chất thanh tra, trước đây, sở, quận huyện lo chuyên ngành còn thanh tra cấp trên lo quản lý Nhà nước nhưng với dự thảo luật hiện nay thì 2 cấp Chính phủ, tỉnh thành lo hết", bà Lan nói.
Dẫn kinh nghiệm làm việc ở Sở Y tế TP.HCM 10 năm, bà Lan nhận thấy Thanh tra Sở Y tế chỉ làm ở sở, còn vụ việc xảy ra ở quận huyện hay tại các phòng khám, hiệu thuốc thì chỉ thanh tra ở khu vực mới nắm được. Vậy khi bỏ thanh tra huyện, vụ, cục, nếu xảy ra sự việc ở địa phương thì khó có thể phản ứng kịp thời.
Ngoài ra, ĐBQH đề nghị trong lần sửa luật này, bên cạnh sửa về hệ thống thanh tra, cần tập trung làm sao cho hoạt động thanh tra mạnh lên và thể hiện mục tiêu này khi xây dựng nghị định, thông tư.

Theo bà, trước đó, các thông tư nghị định chỉ tập trung làm sao để hoạt động thanh tra đúng pháp lý, chống tiêu cực trong thanh tra nhưng chưa quan tâm nhiều đến hiệu quả thanh tra, thành ra "trói chân, trói tay" khó làm.
Đơn cử như việc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.
"Với thanh tra theo kế hoạch, đầu năm sẽ có kế hoạch dự kiến trong năm sẽ thanh tra hoạt động nào. Tới gần ngày sẽ gửi công văn tới đơn vị cho biết khoảng thời gian sẽ đến thanh tra, đề nghị đơn vị chuẩn bị. Thanh tra mà báo trước thì đơn vị không "vở sạch chữ đẹp' mới lạ!", bà Lan nói.
Do đó, nữ ĐBQH cho rằng việc thanh tra theo kế hoạch sẽ không hiệu quả bằng thanh tra đột xuất.
Bà chỉ ra: "Gần đây, có vụ lòng xe điếu, chỉ cần tôi tuyên bố sẽ đi kiểm tra và báo chí giật tít lên thì đoàn kiểm tra đi đến đâu, cửa hàng nào cũng kêu hết lòng rồi".
Do vậy, bà nhấn mạnh thanh tra đột xuất là quyền của Thanh tra Nhà nước và cần phải làm thế nào để tất cả đơn vị sản xuất kinh doanh trên thị trường luôn luôn nghĩ có nguy cơ bị kiểm tra bất cứ lúc nào để không dám làm sai, vi phạm.
Ngoài ra, ĐBQH nêu thêm vấn đề thủ tục nhiêu khê, từ thời gian phải xử lý biên bản; thẩm quyền được ký biên bản xử lý vi phạm hành chính và cho rằng nên phân biệt rõ việc phòng chống tiêu cực, tránh đặt ra quy định để "trói tay" thanh tra, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan quản lý.
Phân rõ trách nhiệm, phạm vi thanh tra với trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành
Cùng góp ý tại tổ, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) bày tỏ băn khoăn khi "tối giản" hệ thống cơ quan thanh tra như dự thảo luật thì làm thế nào để đảm bảo vận hành cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra có thể bao quát, thực sự đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.
Đại biểu Thành phân tích, trong dự thảo luật mới quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong luật hiện hành.
"Khi không tổ chức hoạt động thanh tra của các bộ ngành thì vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra còn lại là rất lớn", ông Thành nói.

Đại biểu Ngô Trung Thành phân tích, đối với hoạt động thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành thì các quy trình, thủ tục thanh tra rất chặt chẽ, hết sức bài bản, để bảo đảm cho cuộc thanh tra diễn ra khách quan, chính xác.
Tuy nhiên khi chuyển các hoạt động thanh tra sang hoạt động kiểm tra thì những quy định, thể chế liên quan đến kiểm tra chuyên ngành lại đang rất "thiếu vắng".
Đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu để có thể quy định trong luật hoặc ban hành các văn bản như Nghị định quy định về hoạt động kiểm tra.
"Khi chúng ta thay các hoạt động thanh tra trước đây bằng hoạt động kiểm tra chuyên ngành mà quy trình thủ tục không có thì rất nguy hiểm. Việc đó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động của các đối tượng thanh tra.
Lúc đấy lại dễ trăm hoa đua nở. Mỗi một cơ quan, mỗi bộ, ngành theo một quy trình sẽ không bảo đảm tính thống nhất", ĐBQH Thành nói và nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, liên quan đến cải cách của hệ thống thanh tra.
Ông đề nghị Chính phủ quan tâm để làm rõ cả trong việc xây dựng, chỉnh lý dự thảo luật này để trình Quốc hội thông qua cũng như sau này quy định các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.