Giải pháp phát triển cây sầu riêng theo hướng bền vững
Các chuyên gia cho rằng, cần tập trung phát triển sản xuất sầu riêng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước tính đạt 131.000 ha, tăng gần 20% so với năm 2022. Trong đó, nhiều nhất là vùng Tây Nguyên chiếm 40,4%, kế đến là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 34,6%, miền Đông Nam Bộ chiếm 19,4% và Duyên hải Nam Trung Bộ chiếm 5,6%. Vùng Tây Nguyên đã vượt qua ĐBSCL, trở thành vùng sản xuất sầu riêng lớn nhất cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 90,908 triệu USD, giảm 73,9% so với tháng 10/2023, tăng 16,3% so với tháng 11/2022. Tính chung, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 480,3% so với cùng kỳ năm 2022. Về thị trường, xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc tháng 11/2023 đạt 82,14 triệu USD, giảm 74,8% so với tháng 10/2023, tăng 37,2% so với tháng 11/2022. Tính chung, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này đạt hơn 1,971 tỷ đồng, tăng 1.515,1% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với thị trường Trung Quốc, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Séc tăng 28.195,4%; xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Papua New Guinea tăng 837,6%; xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Hoa Kỳ tăng 282,8%; xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Canada tăng 222%; và xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Pháp tăng 32%.
Quy hoạch, phát triển cây sầu riêng theo hướng bền vững. Ảnh minh họa.
Phải khẳng định rằng, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp với giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích trồng cây sầu riêng và các sản phẩm từ sầu riêng theo hướng ‘xanh’, bền vững hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, theo các chuyên gia, để phát triển bền vững cây sầu riêng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông, đặc biệt khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo thị trường, nhất là phải sản xuất theo hợp đồng.
Phải làm tốt công tác xây dựng Phương án quy hoạch phát triển nông nghiệp để tích hợp vào các quy hoạch địa phương, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề: Trên cơ sở phân tích đánh giá về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, phân tích lợi thế cạnh tranh để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại từng địa phương. Bố trí quỹ đất, không gian phù hợp để đầu tư hệ thống bảo quản, lưu trữ, sơ chế, đóng gói nông sản gắn với các vùng sản xuất tập trung, nhất là các ngành hàng có giá trị kinh tế và lợi thế canh tranh, như: chuối, bưởi, sầu riêng, xoài; Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống chuẩn, có năng suất và chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác sắp xếp lại tổ chức sản xuất sản phẩm sầu riêng. Trong đó, tập trung vào các hình thức: Hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại, câu lạc bộ - tổ hợp tác; phát triển các hình thức liên kết (liên kết dọc, liên kết ngang); khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, an toàn, chất lượng đáp ứng theo các yêu cầu của thị trường và gắn kết được với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định, bền vững. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sầu riêng, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái vườn; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm sầu riêng; tăng cường quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh kênh phân phối, phát triển thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Tập trung phát triển sản xuất sầu riêng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phát triển các vùng sản xuất sầu riêng tập trung đáp ứng yêu cầu 4 có: “có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao”, gắn với việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn.
VĂN NHI