Kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường EU
Sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin, EU đã đăng công báo Quy định thực hiện Quy chế (EU) 2024/286 ký ngày 16 tháng 1 năm 2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào Liên minh đối với một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu.
Theo quy định mới sửa đổi, các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 10%. Cũng tại Quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.
Thị trường EU cho biết, dữ liệu từ Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) cùng thông tin về các biện pháp kiểm soát chính thức của các quốc gia thành viên, cho thấy có sự xuất hiện của những rủi ro mới với sức khỏe con người do khả năng bị ô nhiễm bởi dư lượng thuốc trừ sâu. Do đó, EU phải yêu cầu tăng cường mức độ kiểm soát chính thức việc nhập khẩu các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam.
Sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 sầu riêng trở thành mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Ước tính, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021. Về thị trường, hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đến 24 thị trường, sầu riêng đông lạnh cũng đã xuất khẩu đến 23 thị trường. Bên cạnh thị trường lớn nhất là Trung Quốc, các thị trường đối tác FTA đều có nhiều tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Đối với thị trường EU, việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) tạo nên lợi thế cạnh tranh, gia tăng sản lượng, đa dạng mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông sản thế mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về thị trường và thuế quan, EU lại có quy định rất nghiêm ngặt đối với chất lượng sản phẩm. Một trong những tiêu chí quan trọng trong xuất khẩu nông sản sang thị trường EU là sản phẩm phải nằm trong ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), chỉ trong 10 tháng năm 2023, EU đã phát đi 3.900 cảnh báo cho tất cả các nước xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Trong đó Việt Nam có gần 60 cảnh báo với 40% cảnh báo về rau quả (chiếm 60% cảnh báo) liên quan đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tất cả các nước thành viên EU đã đặt ra một danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép áp dụng và mức tồn dư tối đa được phép trên thực phẩm. Đáng chú ý, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam nhưng lại bị cấm ở EU. Bên cạnh đó, những quy định về thuốc bảo vệ thực vật ở EU đang có xu hướng thay đổi, cập nhật nhanh hơn. Nhiều đối tượng gây hại nằm trong danh mục kiểm dịch của EU cũng đã có mặt tại Việt Nam. Đây là điều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang EU cần hết sức lưu ý, nếu không muốn gặp thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích trồng sầu riêng năm 2023 đạt 131.000 ha, tăng 20% so với năm 2022, sản lượng đạt 1 triệu tấn. Giống sầu riêng của VN chủ yếu là Monthong và Ri6. Tổng số mã vùng trồng được Trung Quốc cấp là 422 với diện tích 15.962 ha. Năng suất sầu riêng tại Tiền Giang là 27,8 tấn/ha, Vĩnh Long là 9,9 tấn/ha, Bến Tre 13,8 tấn/ha, Đông Nam bộ 9 tấn/ha, Tây nguyên 15 tấn/ha.
Năm 2023, chịu ảnh hưởng từ lạm phát và kinh tế tăng trưởng chậm xuất khẩu nông thủy sản sang EU giảm 12,2%, với 5,34 tỷ USD. Hiện, giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU. EU là thị trường có nhu cầu lớn về nông sản nhưng đi kèm theo đó là tiêu chuẩn kỹ thuật với hàng nhập khẩu ngày càng cao.
Nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi, dù "cao tốc" EVFTA đã có hiệu lực từ 8/2020, nguyên nhân một phần là do các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Để hàng nông sản Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường EU, nông sản xuất khẩu phải thỏa mãn các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của EU; mặt khác, ở góc độ quốc gia cần tiếp tục thúc đẩy đàm phán để tránh việc bị EU áp các rào cản kỹ thuật không hợp lý. Bên cạnh đó, người nông dân và doanh nghiệp phải đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong quá trình sản xuất nông sản xuất khẩu.
Thu Hoài