Gia tăng thị phần nông sản Việt tại thị trường EU
EU hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu nông sản có tốc độ phát triển mạnh sau khi hiệp định EVFTA được đưa vào thực hiện
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA và UKVFTA được thực thi đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao hơn. Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA đã có những tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trong đó, hai năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA cũng là khoảng thời gian mà kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có, từ dịch bệnh Covid-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đến xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lực, lương thực... Song, các số liệu thống kê vĩ mô cho thấy, EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.
Riêng năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỷ đô la, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỷ đô la, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỷ đô la, tăng 16,5% so với năm 2020. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỷ đô la. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.
Trong 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA , nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU (như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%...). Một số mặt hàng mới cũng có tăng trưởng cao sang thị trường EU trong giai đoạn này như nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm (tăng trên 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng trên 25%); nhóm rau quả, dây diện và dây cáp điện (tăng trên 15%)...
Các mặt hàng nông sản chủ chốt của Việt Nam vào Liên minh châu Âu là thủy sản, gạo, sản phẩm trồng trọt, rau quả đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đối với mặt hàng thủy sản, khoảng một nửa số dòng thuế tương đương với 840 dòng thuế, trong đó phần lớn ở mức từ 6% đến 22% sẽ về mức 0%. Một nửa số dòng thuế còn lại hiện đang ở mức từ 5% đến 26% sẽ về 0% sau khoảng thời gian 3 đến 7 năm. Mặt hàng gạo vốn không phải mặt hàng chủ chốt xuất sang EU nhưng có kim ngạch xuất khẩu tăng đều trong những năm gần đây.
Qua đại dịch Covid-19, các chính sách nhập khẩu từ EU không có sự thay đổi. Tuy nhiên, Việt Nam đối mặt với trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU ngày càng gắt gao. Đơn cử như ở ngành cà phê, cần đảm bảo chứng chỉ phát triển bền vững để có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu EU.
Thách thức chính của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững, đảm bảo yêu cầu phát triển sản xuất xanh, sản phẩm xanh, phát triển bền vững...Bên cạnh đó, doanh nghiệp nông sản Việt Nam chỉ chú trọng tới số lượng xuất khẩu, chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu. 90% nông sản của Việt Nam chỉ được xuất khẩu dưới dạng thô, dù xuất đi sản lượng lớn, chất lượng cao nhưng lợi ích kinh tế mang lại thấp. Ngoài ra, chi phí bảo hộ tốn kém cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến quyết định đăng ký bảo hộ của doanh nghiệp. Vì vậy, việc quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu đã và đang là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đối với các mặt hàng nông sản của nước ta.
Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu vào EU trong thời gian tới, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình, hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao năng lực chế biến. Đồng thời, để tận dụng hiệu quả EVFTA mang lại, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, nhanh chóng tăng thị phần trong thị trường nhập khẩu nông sản của EU, trước khi EU triển khai ký kết FTA với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Việt Nam.
Bảo Anh