Giả mạo tổng đài bảo hiểm xã hội để tư vấn thu phí cao
Nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội bị chỉnh sửa thông tin tổng đài trên các trang công cụ tìm kiếm của Google khiến lao động liên hệ tư vấn bị mất tiền oan.
Chị Hà Thị Lê, 31 tuổi, thuê trọ ở quận Tân Bình. Cuối tháng 8, chị sinh con cùng lúc hết hợp đồng lao động với một công ty điện tử ở Khu chế xuất Tân Thuận. Do đó, chị phải tự làm thủ tục hưởng thai sản. Không nắm rõ quy trình nên chị tìm số tổng đài để tư vấn.
Khi tìm kiếm trên Google "Bảo hiểm xã hội TP HCM", chị thấy thông tin Bảo hiểm xã hội quận Tân Bình với số điện thoại 1900 996635. Không nghi ngờ, chị bấm gọi. Hệ thống thông báo đây là tổng đài tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội.
"Nói được mấy phút điện thoại hết tiền dù mới nạp 100.000 đồng", chị Lê nói. Sau đó, chị hỏi nhà mạng mới biết cuộc gọi đến tổng đài bảo hiểm cước phí 8.000 đồng mỗi phút. Với 10 phút gọi, tài khoản của chị bị trừ 80.000 đồng. Cuối tháng trước, chị đến Bảo hiểm xã hội quận Tân Bình làm thủ tục hưởng thai sản, thắc mắc tổng đài bảo hiểm thu phí cao mới được biết đó là số giả mạo.
Trường hợp như chị Lê không phải cá biệt. Ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho biết thời gian qua đơn vị nhận được phản ảnh của nhiều lao động về việc gọi điện đến tổng đài bảo hiểm bị tính cước phí cao và các câu trả lời không rõ ràng, thiếu chính xác.
"Tuy nhiên, khi kiểm tra lại thì các số lao động gọi không phải của cơ quan bảo hiểm xã hội", ông Hiệp nói. Hiện, toàn ngành bảo hiểm xã hội chỉ có duy nhất một số tổng đài tư vấn, chăm sóc khách hàng là 19009068 với cước phí mỗi phút 1.000 đồng. Trong khi đó, tổng đài mạo nhận có gần chục số, cước phí cao gấp 8 lần.
Theo ông Hiệp, để người lao động tin tưởng, trên các trang tìm kiếm, định vị của Google, nhóm mạo nhận đã chỉnh sửa, thay số tổng đài của cơ quan bảo hiểm xã hội bằng các số mới. Điều này không chỉ làm người lao động mất tiền oan mà các thông tin nhận lại không chuẩn, ảnh hưởng uy tín ngành bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội TP HCM đã đề nghị Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố có biện pháp ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân mạo danh cơ quan nhà nước, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Lý giải việc thông tin liên hệ của cơ quan bảo hiểm xã hội bị thay đổi trên internet, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), cho rằng đây vốn là các thông tin được gợi ý bởi trình tìm kiếm Google. Thông tin này sẽ hiển thị khi người dùng tìm trên các nền tảng của Google như Google Search hay Google Maps.
Tuy nhiên đây là dạng thông tin mở, mọi người đều có thể đề xuất chỉnh sửa. Lợi dụng điểm này, một số tổ chức có thể dùng một lượng lớn tài khoản ảo, thậm chí sử dụng mạng bot (mạng máy tính được chỉ huy bởi máy chủ điều khiển C&C). Sau đó họ đề xuất sửa thông tin, dẫn tới hệ thống phê duyệt của Google bị "đầu độc" và cập nhật số điện thoại mà kẻ xấu muốn đưa lên.
"Đây không phải lỗi của hệ thống mà là cơ chế của các nền tảng dạng chia sẻ thông tin cộng đồng, cho phép người dùng tạo và chỉnh sửa thông tin dựa trên đề xuất của cộng đồng", chuyên gia Sơn nói. Điều này tương tự các vụ việc trước đây như hình thức đánh dấu địa chỉ với thông tin mang tính chất đùa nghịch lên nền tảng bản đồ của Google Maps, hay trào lưu chỉnh sửa thông tin trên nền tảng Wiki để đưa các thông tin không đúng.
Theo chuyên gia, với mỗi địa chỉ, thông tin về cơ quan, doanh nghiệp trên nền tảng Google, bên cạnh đề xuất chỉnh sửa đều có thêm tùy chọn chứng minh chủ sở hữu bằng cách bấm vào tùy chọn "bạn sở hữu doanh nghiệp này?". Do đó khi phát hiện sự việc, Bảo hiểm xã hội có thể đề xuất sửa thông tin sai lệch và sử dụng chức năng chứng minh chủ sở hữu để khóa việc chỉnh sửa.
Về cước phí chênh lệch đến 8 lần, ông Sơn cho biết mức giá của các đầu số tổng đài theo quy định của các nhà mạng. Khi một cá nhân, tổ chức đăng ký sử dụng đầu số tổng đài, sẽ đăng ký với nhà mạng đầu số đó thu bao nhiêu tiền theo các khung giá định sẵn. Như vậy bản chất vụ việc này là các tổ chức đã lừa người dùng gọi sang một số điện thoại khác với mức phí cao hơn.
Tổng đài 1900xxx là đầu số cấp quốc gia do một số nhà mạng hoạt động ở Việt Nam cung cấp. Hiện, cước phí gọi vào đầu số 1900 có nhiều mức khác nhau, thấp nhất 1.000 đồng và cao nhất 15.000 đồng mỗi phút. Tính cước theo chuẩn block 1 phút + 1 phút, ví dụ khách hàng gọi 11 giây sẽ tính là 1 phút, gọi 1 phút 5 giây tính 2 phút.
Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng việc các nhóm mạo danh xâm nhập vào trang web, địa chỉ của cơ quan để chèn số điện thoại tư vấn với giá cao là vi phạm pháp luật. Hành vi này bị xử lý theo Luật An ninh mạng và An toàn thông tin mạng.
Theo Điều 102 Nghị định 15/2020, trường hợp giả mạo trên trang web xâm phạm quyền và lợi ích người khác sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng đối với tổ chức, 5-10 triệu đồng với cá nhân.
Lê Tuyết – Khương Nha