0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 31/12/2023 08:25 (GMT+7)

Đường đến ngôi vị bá chủ của Vingroup

Theo dõi KT&TD trên

Chỉ mất một thập niên kể từ dự án đầu tiên, Vingroup đã vượt qua những tên tuổi sừng sỏ để trở thành tập đoàn địa ốc lớn nhất Việt Nam.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Người về từ Đông Âu

30 năm trước, vào một ngày tháng 8, ông Phạm Nhật Vượng cùng với 3 “chiến hữu” đã ngồi lên một chiếc ô tô Lada màu đỏ, đi tới thành phố Kharkov (Ukraine) để khởi nghiệp. Năm đó, ông Vượng mới 25 tuổi, vừa mới kết hôn. Có lẽ không ai, kể cả chính ông Vượng, có thể hình dung được, đây sẽ bước đi thay đổi cuộc đời ông.

Ở Ukraine, vợ chồng ông Vượng bắt tay vào sản xuất mì ăn liền với cái tên “Mivina”. Chỉ 2 năm sau đó, “Mivina” trở nên nổi tiếng và trở thành thương hiệu chung cho nhiều loại sản phẩm như bột canh, khoai tây ăn liền, mì trứng, bánh mì sấy, xì dầu, tương ớt, bim bim…

Tới năm 2009, thương hiệu “Mivina” được định giá lên tới hơn 1 tỷ USD. Có được lợi nhuận lớn từ “Mivina”, ông Vượng tính chuyện đầu tư về Việt Nam và lĩnh vực ông lựa chọn là bất động sản. Hai công ty đầu tiên được thành lập cho nhiệm vụ này là Công ty Hòn Tre (năm 2001, sau được đổi tên thành Vinpearl) và Công ty Tổng hợp Việt Nam (năm 2002, sau được đổi tên thành Vincom).

Tháng 3/2003, tổ hợp tháp đôi văn phòng, trung tâm thương mại ở phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội (tức Vincom Bà Triệu) do Công ty Vincom làm chủ đầu tư được khởi công. Cuối năm ấy, khách sạn Vinpearl Resort Nha Trang – do Công ty Vinpearl làm chủ đầu tư, cũng được khai trương.

Đây là 2 dự án chẳng những đã khởi đầu cho hành trình rực rỡ của Vingroup mà còn là dấu mốc quan trọng của thị trường bất động sản Việt Nam. Vincom Bà Triệu có thể xem là trung tâm thương mại hiện đại đầu tiên ở Hà Nội, còn Vinpearl Nha Trang là một trong những dự án đã mở ra kỷ nguyên của bất động sản nghỉ dưỡng ở nước ta.

Năm 2007, Công ty Vinpearl niêm yết trên HoSE. Một năm sau đó, đến lượt Vincom. Tới năm 2009, ông Vượng rút toàn bộ hoạt động ở Ukraine về trong nước.

Từ năm 2010, Vingroup bắt tay vào thực hiện một chiến dịch đầu tư bất động sản rất lớn, khởi đầu là 2 dự án rất lớn tại TP. HCM và Hà Nội, lần lượt là Vincom Center và Royal City, được tiếp sau bởi những: Times City, Vinhomes Riverside (Hà Nội), Vinpearl Luxury Nha Trang, Vinpearl Golf Club Nha Trang (Khánh Hòa), Vinpearl Luxury Đà Nẵng (Đà Nẵng).

Những dự án này đều được triển khai trong giai đoạn 2010 – 2013, là những năm “bão giông” của thị trường bất động sản Việt Nam, khi hàng loạt tên tuổi thua lỗ, gục ngã hoặc phải tháo chạy khỏi thị trường địa ốc (điển hình như “ông lớn” Hoàng Anh Gia Lai).

Mạo hiểm nhưng đầy nỗ lực, cú ngược dòng ngoạn mục này đã mang lại cho Vingroup thành quả to lớn. Từ năm 2010 đến năm 2013, doanh thu của Vingroup tăng gấp 5 lần, từ gần 3.900 tỷ đồng lên hơn 18.300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần, từ hơn 2.400 tỷ đồng lên hơn 7.100 tỷ đồng.

Từ kẻ đi sau, Vingroup vươn lên thành người dẫn đầu, là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất cả nước. Bản thân ông Phạm Nhật Vượng, sau cú hợp nhất Vinpearl vào Vincom vào năm 2012, cũng đã trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam vào năm 2013 với khối tài sản 1,5 tỷ USD, xếp thứ 974 trên thế giới.

Thập liên bá

Thành công ngay trong khủng hoảng đã đưa Vingroup tiến vào giai đoạn phục hồi – tăng trưởng của thị trường bất động sản (2014 – 2019) với vị thế gần như tuyệt đối so với các đơn vị khác, vốn dĩ đang loay hoay bước ra từ đống tro tàn hoặc mới bắt đầu tạo lập “đế chế”.

Xét về doanh thu, từ 2014 đến 2019, doanh thu của Vingroup tăng nhanh tới mức chóng mặt, từ hơn 27.700 tỷ đồng lên hơn 130.000 tỷ đồng, tức trung bình mỗi năm tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng, lớn hơn bất kỳ doanh nghiệp địa ốc nào khác.

Đó là chưa nói từ năm 2013, Vingroup đã lập ra Vinhomes (niêm yết 2018 với mã VHM) và sau đó là Vincom Reatail (niêm yết 2017 với mã VRE). Đây là 2 doanh nghiệp thống trị 2 phân khúc: nhà ở và trung tâm thương mại.

Doanh thu của Vinhomes từ 2015 đến 2022 đã tăng từ 4.900 tỷ đồng lên 62.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng từ 790 tỷ đồng lên 28.800 tỷ đồng. Doanh thu của VRE từ 2014 đến 2022 đã tăng từ khoảng 1.900 tỷ đồng lên hơn 7.300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng từ 105 tỷ đồng lên 2.700 tỷ đồng.

Để có được sự tăng trưởng mạnh mẽ đó, trong các năm 2014 – 2019, Vingroup đã cho triển khai một số lượng dự án “khổng lồ”, có quy mô từ lớn đến rất lớn, trải rộng từ Nam ra Bắc, thuộc nhiều phân khúc khác nhau của thị trường bất động sản như: chung cư, biệt thự - liền kề, bất động sản nghỉ dưỡng, sân gôn, công viên giải trí, trung tâm thương mại…

Cái tên ấn tượng đầu tiên trong giai đoạn này là Vinhomes Central Park (Tân Cảng, TP. HCM), khởi công năm 2014. Dự án có quy mô 44ha, gồm 18 tòa tháp chung cư cao tầng, trong đó nổi bật là Landmark 81 (81 tầng), cao nhất Việt Nam.

Trong cùng năm này, Vingroup cũng khai trương tổ hợp Vinpearl Phú Quốc (giai đoạn 1) – tổ hợp du lịch, giải trí 5 sao có tổng quy mô 300ha, mở đầu cho chuỗi du lịch nghỉ dưỡng của tập đoàn tại Phú Quốc.

Nối tiếp các dự án trên, Vingroup cho triển khai một loạt dự án nhà ở đình đám: Vinhomes Golden River (TP. HCM), Vinhomes Gardenia, Vinhomes Sky Lake, Vinhomes Thăng Long, Vinhomes Westpoit, Vinhomes Greenbay (Hà Nội)…

Đặc biệt, năm 2018 - 2019, Vingroup liên tục ra mắt 3 đại dự án quy mô hàng trăm hecta gồm: Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City (Hà Nội), Vinhomes Grand Park (TP. HCM). Ba 3 dự án này là 3 “bom tấn”, đã làm khuynh đảo thị trường nhà ở tại 2 thành phố lớn nhất cả nước cũng như góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo khu vực phía đông của Hà Nội và TP. HCM.

Điều đáng nói hơn nữa là Vingroup đã làm tất cả kinh ngạc khi triển khai các đại dự án này với tốc độ cực kỳ nhanh chóng, chỉ mất vài năm, trong khi các dự án có quy mô tương tự thường mất ít nhất 10 năm, thậm chí có những dự án kéo dài gần 30 năm vẫn mới chỉ hoàn thành được một phần.

Từ năm 2020 đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Vingroup không còn được duy trì, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 (kéo dài từ 2020 đến 2022), tiếp theo là cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản (từ giữa 2022 đến nay). Tuy nhiên, doanh thu các năm 2020 – 2022 của tập đoàn này vẫn duy trì từ 100.000 – 120.000 tỷ đồng, lớn nhất trong nhóm địa ốc.

Vingroup vẫn đang và/hoặc ấp ủ kế hoạch triển khai các đại dự án khác trên mọi miền đất nước, như: Hạ Long Xanh (Quảng Ninh), Vinhomes Vũ Yên (Hải Phòng), Vinhomes Cổ Loa, Vinhomes Đan Phượng (Hà Nội), Vinhomes Cần Giờ (TP. HCM)... Tập đoàn cũng tuyên bố sẽ phát triển 500.000 căn nhà ở xã hội với thương hiệu Happy Home trên toàn quốc.

Có thể nói, giai đoạn 2013 – 2023 của Vingroup là một thập niên vàng. Đó cũng là 10 năm tập đoàn này chễm chệ trên vị trí số 1 thị trường bất động sản Việt Nam - một “thập liên bá” mà có lẽ sau này sẽ không có doanh nghiệp địa ốc nào tái lập được.

Nhìn từ xa

Vingroup đã xuất hiện trên thị trường bất động sản Việt Nam được hơn 20 năm, có đóng góp rất lớn đối với thị trường cả về quy mô lẫn trình độ phát triển. Những dự án của tập đoàn này không chỉ đi đầu về chất lượng (quy hoạch hiện đại, đầy đủ pháp lý, thi công tốt, bàn giao đúng hoặc vượt tiến độ, đồng bộ tiện ích dịch vụ, quản lý chuyên nghiệp), có khả năng dẫn dắt xu hướng phát triển của thị trường, mà còn tạo ra sự đổi thay rất lớn của những vùng đất nơi dự án được xây dựng.

Điều đáng nói khác là ngay từ đầu, Vingroup đã định vị được thương hiệu của mình như một chuẩn mực của sự cao cấp và duy trì điều đó cho đến tận ngày nay. Có thể nói không ngoa, trong lịch sử 30 năm của thị trường bất động sản Việt Nam, chưa có tập đoàn nào có ảnh hưởng lớn và mạnh mẽ đến như vậy. Trong tương lai, nếu không có biến cố nào nghiêm trọng, Vingroup chắc chắn vẫn sẽ dẫn đầu và tỏa sức ảnh hưởng của mình đến phần còn lại, như những gì tập đoàn này đã làm trong mười mấy năm qua.

Thuỵ Khanh

Bạn đang đọc bài viết Đường đến ngôi vị bá chủ của Vingroup. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng thị trường khởi sắc trong năm 2025
Sau giai đoạn khó khăn kéo dài, doanh nghiệp BĐS đang đặt nhiều kỳ vọng vào một chu kỳ hồi phục mới trong năm 2025, những tín hiệu tích cực từ chính Hỗ trợ sách của phủ Chính, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và nhu cầu gia tăng về nhà ở và văn phòng cho thuê đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp.
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
“VinFast chơi lớn số 2 không ai là số 1”
Trên hành trình từ số 0 đến số 1, VinFast liên tục khiến thị trường “choáng” không chỉ bởi những kỷ lục về đơn đặt cọc, doanh số mà còn vì những lần tri ân hào phóng cùng các chính sách hậu mãi chưa từng có tiền lệ.

Tin mới

Trà xanh: Bí ẩn từ sắc xanh đến hương vị
Màu xanh của trà xanh không chỉ là dấu ấn đặc trưng mà còn phản ánh chất lượng và giá trị dinh dưỡng. Từ sắc tố diệp lục đến kỹ thuật chế biến, bài viết sẽ khám phá nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng, giúp bạn hiểu rõ hơn về loại trà tuyệt vời này.
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng thị trường khởi sắc trong năm 2025
Sau giai đoạn khó khăn kéo dài, doanh nghiệp BĐS đang đặt nhiều kỳ vọng vào một chu kỳ hồi phục mới trong năm 2025, những tín hiệu tích cực từ chính Hỗ trợ sách của phủ Chính, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và nhu cầu gia tăng về nhà ở và văn phòng cho thuê đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp.
Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động
Từ đầu tháng 11 tới nay đã có 14 ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn, bao gồm Eximbank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, Indovina, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.
Nhà giá rẻ "mất hút" trên thị trường bất động sản Hà Nội
Báo cáo mới đây của OneHousing cho biết, thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới, tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì)...
Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại vào dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm các ngân hàng thường đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn vốn. Năm nay, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm đã quay trở lại sau một thời gian dài lãi suất thấp, mang đến cơ sở hấp dẫn cho những ai đang tìm kiếm kênh đầu tư an toàn.
Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.