Doanh nghiệp sản xuất dành nguồn lực lớn đầu tư cho sản xuất xanh, sản xuất bền vững
Xu hướng xanh hoá sản xuất và tiêu dùng trên thị trường thế giới là xu hướng không thể đảo ngược, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực đáp ứng để đảm bảo đòi hỏi của thị trường.
Doanh nghiệp đầu tư mạnh cho sản xuất xanh, sản xuất bền vững
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp ngày càng đáp ứng được theo yêu cầu của thị trường cũng như đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế.
Cùng với sự đầu tư vào sản xuất của doanh nghiệp, những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam và trên thế giới đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng hiện nay quan tâm nhiều hơn đến tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm tái chế, tiết kiệm nguyên vật liệu, thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, sự thay đổi này vừa là cơ hội vừa là thách thức khi phải sản xuất, cung ứng hàng hoá theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho doanh nghiệp Việt để nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.
Do đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bài bản về công nghệ, trang thiết bị sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững, điển hình như lắp thiết bị để sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải… Tại Công ty TNHH Dụng cụ AN MI đã thực hiện một số giải pháp như gia tăng diện tích cây xanh, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời toàn bộ mái nhà xưởng để sản phẩm sử dụng năng lượng xanh, giảm thiểu tái chế bằng cách nâng cao hiệu suất sản xuất.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mang lại rất nhiều lợi ích. Không những đáp ứng các tiêu chí xanh của khách hàng mà còn giảm thiểu chi phí và đảm bảo ổn định sản xuất trước những biến động bất ngờ từ thị trường. Như trong mùa nắng nóng có thể diễn ra tình trạng thiếu điện cho sản xuất, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các nhà xưởng, khu công nghiệp là giải pháp được quan tâm.
Hoá giải thách thức
Phải khẳng định, chuyển đổi xanh là đòi hỏi bắt buộc của doanh nghiệp để đáp ứng theo xu hướng trên thị trường. Song, chuyển đổi xanh cũng đã và đang tạo ra những cạnh tranh, thách thức rất lớn cho doanh nghiệp. Trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức chung như chuyển đổi kép cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, Net Zero trong phát triển năng lượng…
Chia sẻ về những thách thức trong quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PPJ Group cho biết, quá trình triển khai doanh nghiệp nhận được nhiều sự trợ giúp từ các chính sách, chủ trương của Nhà nước.
Tuy nhiên, chuyển đổi xanh cũng mang lại thử thách, và thử thách này có thể bị khuếch đại nhiều lần đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế. Chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí đầu vào của sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với truyền thống, và không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng chi trả cho khoản chênh lệch này.
“Tại PPJ Group, 5 năm qua đã đầu tư tới hàng chục triệu USD cho chuyển đổi xanh. Con số này sẽ chưa dừng lại. Chi phí chuyển đổi rất lớn nhưng cái giá cho chậm chuyển đổi và không chuyển sẽ lớn hơn nhiều lần", ông Đặng Vũ Hùng cho biết.
Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, để Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách và thiết lập các cơ chế khuyến khích nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, chẳng hạn như giảm thuế, ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính. Trước hết, cần xây dựng chính sách ưu đãi thuế và đầu tư nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Ví dụ như chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, công nghệ tái chế... Các chính sách ưu đãi thuế theo hướng chú trọng, khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Xây dựng chính sách thuế tài nguyên áp dụng cho các doanh nghiệp và dự án có những đóng góp tích cực đối với môi trường. Đồng thời, chính phủ cũng có thể tạo lập các quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, với nguồn tài trợ từ cả trong và ngoài nước.
Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Những nỗ lực này không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tạo thêm việc làm cho các khu vực nông thôn. Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ nông trại, nông dân và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, như cung cấp gói hỗ trợ tài chính cho việc duy trì canh tác hữu cơ, triển khai các chương trình giáo dục và tư vấn, hỗ trợ quảng bá và chế biến sản phẩm hữu cơ…