Đột xuất kiểm tra 04 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng tại Tiền Giang
Trong số 04 vụ việc vi phạm về nhãn, công bố tiêu chuẩn áp dụng với trị giá tang vật gần 1,5 tỷ đồng; có 02 vụ được phát hiện trên nền tảng thương mại điện tử với hình thức tạo lập tài khoản Facebook, TikTok để đăng bài, livestream bán vàng trang sức trực tuyến.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang có văn bản chỉ đạo các Đội QLTT khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, ngay trong ngày 04/4/2024 các Đội QLTT số 1, 6 đã đột xuất kiểm tra 04 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Trong số 04 vụ việc này, có 02 vụ việc được phát hiện qua theo dõi, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin trên môi trường thương mại điện tử với hình thức đăng bài, livestream bán hàng qua tài khoản Facebook, TikTok.
Đội QLTT số 1 kiểm tra doanh nghiệp vàng tại thành phố Mỹ Tho
Tại thời điểm kiểm tra, cả 04 cơ sở đang kinh doanh mặt hàng vàng trang sức các loại có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong đó, có 02 doanh nghiệp sản xuất 30 chiếc nhẫn trơn loại 14K (độ tinh khiết 600), 52 bộ ximen không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.
Còn lại 02 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức gồm 12 chiếc cham đầu rồng, hàm lượng vàng 600 (tổng khối lượng 60 chỉ) và 10 chiếc dây chuyền, hàm lượng vàng 980 (tổng khối lượng 20 chỉ) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa (không ghi tên hàng hóa); 12 cham hình con Tùy Hưu, hàm lượng vàng 610 (tổng khối lượng 5,2 chỉ) không có nhãn hàng hóa.
Doanh nghiệp livestream bán vàng trang sức trên TikTok
Căn cứ giá niêm yết, tổng giá trị tang vật vi phạm được xác định gần 1,5 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra đã xác lập Biên bản kiểm tra đối với 04 doanh nghiệp nêu trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Đội QLTT số 6 kiểm tra doanh nghiệp vàng tại thị xã Cai Lậy
Tính từ đầu năm 2024, bên cạnh các loại hàng hóa vi phạm như phân bón, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử được phát hiện trên nền tảng thương mại điện tử; đây là lần đầu tiên Cục QLTT tỉnh Tiền Giang kiểm tra, phát hiện vi phạm trong kinh doanh vàng qua nền tảng này. Đây cũng là tín hiệu khởi đầu tạo bước đột phá trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử.
Công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện đồng loạt trên địa bàn tỉnh; góp phần cùng với các ngành chức năng thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 23/CĐ-TTg.
Phòng Tổ chức - Hành chính
Cục QLTT Tiền Giang