Đi khắp Hà Nội khó mua nổi 1 chỉ vàng: Giá đắt kỷ lục nhưng nhu cầu không giảm?
Theo WGC, nhu cầu vàng tại Việt Nam sụt giảm trong quý III do giá vàng tăng mạnh tại Việt Nam đã làm hạn chế hoạt động mua mới của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu mua vàng, tích trữ vàng của người dân vẫn ở mức cao trong thời gian qua.
Báo cáo mới đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay, nhu cầu vàng trang sức quý III tại Việt Nam giảm 15% so với quý trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, nhu cầu vàng miếng và vàng xu cũng giảm 33% so với quý III/2023. Việt Nam là trường hợp ngoại lệ trong khu vực Đông Nam Á, khi nhiều nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số về nhu cầu vàng.
Nhận định về xu hướng này, WGC cho rằng, giá vàng tăng mạnh tại Việt Nam đã làm hạn chế hoạt động mua mới của người dân, dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu vàng trong quý III/2024. Song, nhìn vào thực tế, liệu nhận định này có đúng?
Trong những ngày cuối tháng 10/2024, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, phá vỡ nhiều kỷ lục trước đó. Có thời điểm, giá vàng nhẫn vượt mốc 90 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay tại thị trường Việt. Giá miếng SJC cũng liên tục được điều chỉnh tăng, chạm mốc cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán vàng giá bình ổn qua hệ thống Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh.
Tính từ đầu năm đến nay, vàng nhẫn ghi nhận hiệu suất sinh lời lên tới 38% trong khi con số này ở vàng miếng SJC là gần 20%. Nếu như so với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng hiện nay, rõ ràng, vàng đang là kênh sinh lời ấn tượng hơn hẳn.
Giá vàng càng lên cao, nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân lại càng lớn. Bằng chứng là khi các kênh mua, bán vàng chính thống bị hạn chế, không ít người sẵn sàng tìm đến thị trường vàng chợ đen để mua, chấp nhận mức giá đắt hơn tới vài triệu đồng/lượng.
Thậm chí, thị trường còn xuất hiện các hội nhóm chuyên mua, bán các suất mua vàng tại các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC. Những suất mua vàng này được rao bán với giá 100 – 300 nghìn đồng/suất và đều “hết hàng” rất nhanh. Thử hỏi, nếu nhu cầu vàng của người dân không lớn, những suất mua vàng kia liệu có ai quan tâm đến?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nhận định, nhu cầu mua vàng thực tế trong nước đang ở mức cao, thể hiện qua việc lượt đăng ký tại các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC luôn trong tình trạng “hết chỗ” chỉ sau ít phút đầu giờ.
Vậy vì đâu nhu cầu vàng tại Việt Nam lại sụt giảm trong quý III vừa qua? Nguyên nhân là do thiếu nguồn cung vàng khiến nhiều người dân “có tiền cũng không mua được vàng”.
Tại phiên thảo luận tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) cho biết thị trường vàng đang diễn ra tình trạng cầu lớn hơn cung. “Nhiều phản ánh của người dân cho biết đi khắp Hà Nội không mua nổi 1 chỉ vàng nhẫn để mừng cưới”, ông cho hay.
Tình trạng khan hiếm vàng nhẫn, vàng miếng SJC thực tế đã diễn ra trong nhiều tháng qua, nhất là sau khi NHNN bán vàng giá bình ổn. Nhiều đơn vị kinh doanh vàng lớn như SJC, Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ,… thậm chí còn không chấp nhận đặt trước hoặc thanh toán trước do nguồn cung vàng không ổn định.
PGS - TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, kể từ khi NHNN thực hiện chính sách siết nhập khẩu vàng nguyên liệu trong hơn một thập kỷ qua, thị trường vàng trong nước gần như không có thêm nguồn cung chính ngạch. Trong khi đó, một báo cáo của WGC lại chỉ ra lượng vàng tiêu thụ trong nước mỗi năm lên tới 50 - 55 tấn.
Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu mua vàng, tích trữ của người dân vẫn hiện hữu. Kết hợp với việc những chính sách bình ổn giá vàng của NHNN khiến mạng lưới phân phối bị thu hẹp. Thị trường vàng trở nên thiếu thanh khoản là một kết cục tất yếu.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, các giải pháp bình ổn hiện nay của NHNN vẫn chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng. Vị chuyên gia này cho rằng NHNN cần cho nhập khẩu vàng chính ngạch và chỉ nhập khẩu lượng vàng đủ để ổn định thị trường khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỷ giá được giảm bớt.
Bên cạnh đó, các chính sách cần được xem xét sao cho người dân có thêm nhiều kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, giảm sự phụ thuộc vào vàng như một công cụ tích trữ tài sản. Việc đa dạng hóa các lựa chọn đầu tư không chỉ giúp người dân bảo vệ và gia tăng giá trị tài sản mà còn thúc đẩy sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô.