Đề xuất không cho phép thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu tại Thành phố Hồ Chí Minh
HoREA vừa có Văn bản số 57/2023/CV-HoREA gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố Hồ Chí Minh về "Góp ý Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết đề cương)" liên quan đến một số nội dung quan trọng.
Theo đó, tại Điều 4 – Dự thảo Đề cương Nghị quyết đề xuất cho phép “thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Với đề xuất trên, HoREA đề nghị không nên cho phép "thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh" mà đề nghị cho phép "thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trên các tuyến đường hiện hữu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh" được thanh toán bằng tiền ngân sách Nhà nước của địa phương và áp dụng chung trên phạm vi cả nước.
HoREA cho rằng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã quy định nguyên tắc là dự án PPP "Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng" để không xảy ra "xung đột lợi ích" giữa "nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng", như đã từng xảy ra "xung đột lợi ích" giữa "nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng" tại một số địa phương trong những năm trước đây.
Đồng thời, HoREA cũng đề nghị không thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất mà "có diện tích đất do Nhà nước quản lý trong khu đất thực hiện dự án; đất chưa được giải phóng mặt bằng", để không xảy ra "xung đột lợi ích" hoặc "đối đầu" giữa một bên là "Nhà nước và nhà đầu tư" và một bên là người có đất bị thu hồi.
Đề nghị “cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị và rút gọn các bước lập quy hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch” để thành phố chủ động điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để tháo gỡ “ách tắc, vướng mắc” thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” và thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại và nhất là dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không phân biệt dự án có giá trị tiền sử dụng đất trên hoặc dưới 30 tỷ đồng theo bảng giá đất, thay vì thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất theo Văn bản số 477/UBND-ĐT ngày 17/02/2022 của UBND thành phố.
Đề nghị “cơ chế xác định các hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội và nhà ở thương mại”, trong đó có hình thức sử dụng đất khác là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nhà đầu tư phải thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai, phù hợp với đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 27/12/2021 trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Tại văn bản góp ý nội dung làm việc với Thường trực Chính phủ gửi đi, HoREA cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị trên cơ sở vẫn tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị hiện hành.
HoREA cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án có sử dụng đất để đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, đô thị; Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhất là trái phiếu bất động sản; xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng…
Linh Đan