ĐBSCL: Hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản lên tầm cao mới
Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trên đà phát triển, cùng với những chính sách đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương trong việc hoàn thiện hạ tầng của vùng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản mạnh dạn đầu tư vào khu vực này.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển về ĐBSCL. Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam và đứng thứ 2 ở ĐBSCL (sau Singapore). Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức chương trình Gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp ĐBSCL.
Tại buổi gặp gỡ, các chuyên gia cho rằng, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang trên đà phát triển, cùng với những chính sách đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương trong việc hoàn thiện hạ tầng của vùng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản mạnh dạn đầu tư vào khu vực này. Cùng với đó, những nền tảng đã gây dựng thời gian qua cộng với quyết tâm từ 2 phía sẽ đưa mối quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp Nhật Bản - doanh nghiệp ĐBSCL lên tầm cao mới.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của Việt Nam nên nhu cầu về phát triển giao thông và logistics rất lớn. Đây cũng là thế mạnh của Tập đoàn Senko. Vì vậy, khả năng trong thời gian tới sẽ có nhiều hợp tác giữa các tỉnh ở ĐBSCL với các nhà đầu tư Nhật Bản.
“Sự kiện hôm nay sẽ cung cấp nhiều thông tin từ các địa phương trong vùng, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Với những nỗ lực, cố gắng của hai phía, hy vọng sẽ có những kết quả hợp tác hiệu quả, thực chất trong thời gian tới”, ông Lam nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp Nhật Bản, ông Yasuhisa Fukuda, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Senko cho biết, Tập đoàn Senko thành lập năm 1946 chuyên về vận tải, giao thông và logistics, với 160 công ty con và công ty liên kết đang hoạt động tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Hiện nhân viên người Việt Nam làm việc ở Senko (Nhật Bản) trên 280 nhân viên. Ở Việt Nam, hiện có 53 nhân viên người Việt làm việc tại các chi nhánh hoạt động trong các lĩnh vực logistics, thương mại, sản phẩm nội thất, bao bì đóng gói… đặt ở vùng ngoại ô TP.HCM và Hà Nội.
“Người Việt Nam và người Nhật Bản có nét tương đồng là làm việc chăm chỉ, cần cù nên tôi rất thích. Tôi mong muốn và hy vọng cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ là cơ hội thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chúng tôi muốn thành lập Trung tâm logistics kho bãi, vận tải, xuất khẩu nông thủy sản tại phía Nam của Việt Nam để mở rộng hệ thống logistics của Tập đoàn đến khu vực hạ lưu sông Mekong và Đông Nam Á”, ông Yasuhisa Fukuda nhấn mạnh.
Tháng 5/2023, VCCI Cần Thơ khai trương Văn phòng kết nối kinh doanh tại Nhật Bản (VCCI Cantho - Japan Desk) ở TP Kobe, tỉnh Hyogo thuộc vùng Kansai (Nhật Bản). Văn phòng được thiết lập nhằm giới thiệu ĐBSCL với Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp vùng ĐBSCL với vùng Kansai.
Đồng thời, sẽ là cầu nối quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn hợp tác, đầu tư với vùng ĐBSCL. Đây là những nền tảng quan trọng để doanh nghiệp 2 bên dần hiểu nhau hơn, hướng đến quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh vững chắc, lâu dài.
Yến Thanh