Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang
UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang theo tỷ lệ 1/2000.
Cụ thể, phạm vi ranh giới quy hoạch thuộc một phần các thôn hiện hữu của huyện, vị trí quy hoạch nằm trong vùng sườn đồi thuộc phân khu dự trữ phát triển của Đà Nẵng. Diện tích khu vực quy hoạch là 229,1ha. Hướng quy hoạch huyện lỵ Hòa Vang sẽ là cửa ngõ kết nối các huyện Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên.
Là tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ hỗ trợ cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch cấp khu vực làm động lực phát triển đô thị khu vực phía Tây của thành phố. Về quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 36.000 người, 100% dân sẽ được sử dụng nước sạch.
Vị trí quy hoạch nằm trong Vùng Sườn đồi thuộc phân khu dự trữ phát triển. Ranh giới cụ thể có phía Bắc giáp đất nông nghiệp và khu dân cư hiện trạng; phía Nam giáp khu dân cư hiện trạng và đường ĐH5; phía Đông giáp quốc lộ 14B và khu dân cư chợ Túy Loan; phía Tây giáp đất nông nghiệp và khu dân cư hiện trạng.
Về tính chất, đây là trung tâm hành chính huyện, cửa ngõ kết nối các huyện Tây Bắc tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng là tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ hỗ trợ cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch cấp khu vực làm động lực phát triển đô thị khu vực phía Tây thành phố.
Về giải pháp tái định cư, bố trí tái định cư tại các dự án khu đô thị có nhà ở, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư trong khu quy hoạch và tại các khu vực lân cận theo quy hoạch đã được duyệt đúng quy định pháp luật. Thực hiện tốt các quy định và chính sách giải tỏa đền bù, tái định cư, đào tạo chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng giải tỏa để đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với các dự án ưu tiên đầu tư được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, nguồn vốn ngân sách Trung ương, kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp và các nguồn vốn khác. Xây dựng chính sách và các giải pháp vốn đầu tư trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, các nguồn vốn trong và ngoài nước vào các mục đích phát triển hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh huy động và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển quỹ đất đô thị, đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Đẩy mạnh thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư, đảm bảo tính công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn đối với từng dự án. Tập trung vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm làm động lực phát triển đô thị.
Theo quy hoạch được phê duyệt, quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 36.000 người. Trong đó, dân số thường trú khoảng 29.690 người và dân số tạm trú quy đổi khoảng 6.310 người.
Tại khu vực quy hoạch có 3 khu chức năng chính gồm khu chức năng hành chính, đơn vị ở 2, đơn vị ở 3.
Trong đó, khu chức năng hành chính có diện tích 42,3 ha, với dân số khoảng 3.100 người. Đây là trung tâm chính trị, hành chính.
Đơn vị ở 2 có diện tích 110,9 ha, với dân số khoảng 19.140 người. Khu chức năng này có tính chất gồm các nhóm nhà ở cao tầng, biệt thự, nhà ở liên kế được tổ chức xung quanh công viên trung tâm.
Đơn vị ở 3 có diện tích khoảng 75,9 ha, với dân số khoảng 7.450 người. Khu chức năng này có tính chất, gồm các nhóm nhà ở xã hội cao tầng và biệt thự, quảng trường và tổ hợp văn hóa kết hợp thể thao, khu thương mại dịch vụ phục vụ quảng bá sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, chuyển giao công nghệ, kết nối với vùng sản xuất nông nghiệp về phía Tây khu vực.
Theo quy hoạch tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Theo đó, Đà Nẵng sẽ hình thành 02 vành đai kinh tế trên cơ sở kết nối 04 cụm việc làm nhằm tạo ra các cơ hội liên kết phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, gồm: Vành đai kinh tế phía Bắc (Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển – Logistics); Vành đai kinh tế phía Nam (Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đồng thời Đà Nẵng sẽ hình thành 7 cực, trung tâm phát triển kinh tế xã hội gồm: Trung tâm thành phố; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao; Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics; Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại Hải Châu, Thanh Khê; Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu; Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Các khu du lịch sinh thái núi.
Trung tâm thành phố sẽ bao gồm trung tâm đô thị hiện hữu tập trung chủ yếu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, nhất là khu trung tâm mới sau khi tái thiết đô thị tại Khu công nghiệp Đà Nẵng.
Trung tâm công nghiệp công nghệ cao sẽ bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn các xã Hòa Liên Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics sẽ tập trung phía Tây Bắc Vịnh Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Ga Trung tâm logistics đường sắt; khu logistics và ga hàng hóa phía Tây sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; các khu logistics phía Tây đường tránh Nam Hải Vân tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang. Đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần Cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu Cảng biển trong tương lai.
Tiến Hoàng