Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên san lấp mặt bằng khi chưa được giao đất
Chưa được giao đất, chưa hoàn thiện các thủ tục đất đai, nhưng Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên có địa chỉ tại xã Ông Đình, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã sử dụng chất thải là cặn bê tông để san lấp không đúng quy định của pháp luật.
Báo điện tử Xây dựng nhận được phản ánh của người dân thôn Tiền Phong, xã Ông Đình, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) về việc Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên tiến hành san lấp đất ruộng khi chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai theo quy định.
Có mặt tại khu đất dự định thực hiện dự án “Đóng gói và kinh doanh phân bón các loại” của Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên tại thôn Tiền Phong, xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, phóng viên Báo điện tử Xây dựng được một người dân trong thôn chỉ cho biết, một khu đất rộng đã bị san lấp quá nửa bằng cặn bê tông. Ở nhiều chỗ, cặn bê tông vẫn còn được chất thành từng đống chờ san gạt. Nước rửa xe bồn chảy lênh láng khắp khu đất, đọng thành từng lớp trắng xóa. “Thời gian gần đây nước con mương này bỗng đổi sang màu đỏ, không biết có ảnh hưởng gì đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng hay không”, người dân lo lắng đặt câu hỏi.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngày 26/7/2018, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 74/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Đóng gói và kinh doanh phân bón các loại”. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên có trụ sở tại thôn Tiền Phong, xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Hà có hộ khẩu tại quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Theo quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hưng Yên, dự án có mục tiêu: Đóng gói và kinh doanh phân bón hữu cơ các loại; thử nghiệm phân bón và trồng thực nghiệm rau màu, cây ăn quả. Tổng diện tích đất triển khai dự án là 14.700m2.
Đến ngày 25/8/2021 (khi dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm), UBND tỉnh Hưng Yên ra Thông báo số 306/TB-UBND đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án: “Đóng gói và kinh doanh các loại phân bón” của Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên trên địa bàn xã Ông Đình, huyện Khoái Châu. Theo đó, dự án “Đóng gói và kinh doanh các loại phân bón” có mục tiêu: Đóng gói và kinh doanh phân bón hữu cơ các loại; thử nghiệm phân bón và trồng thực nghiệm rau màu, cây ăn quả; kinh doanh vật liệu xây dựng; sản xuất hàng may mặc. Cũng trong thông báo này, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên đã chuyển từ ông Nguyễn Văn Hà sang ông Lê Bá Đàn.
Thông báo của UBND tỉnh Hưng Yên nêu rõ, sau 24 tháng kể từ ngày được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án phải hoàn thiện tất cả các hạng mục công trình, đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
UBND tỉnh Hưng Yên giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận về chủ trương nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đấ để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai trước khi nhà đầu tư hoàn thiện lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ngày 22/3/2019, UBND tỉnh Hưng Yên có Văn bản số 629/UBND-KT2 cho phép Công ty TNHH Nông Việt nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất với diện tích khoảng 17.759m2 đất thuộc xã Ông Đình, huyện Khoái Châu để thực hiện dự án đầu tư đóng gói và kinh doanh phân bón các loại.
Có một điều dư luận thắc mắc là dự án của Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên có tên: “Đóng gói và kinh doanh các loại phân bón”. Tuy nhiên, trong mục tiêu của dự án lại có thêm mảng: “kinh doanh vật liệu xây dựng; sản xuất hàng may mặc” liệu có phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư hay không? Trong quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hưng Yên, nhà đầu tư là “Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên”. Thế nhưng trong văn bản cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại ghi “Công ty TNHH Nông Việt”. Vậy Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên có phải là Công ty TNHH Nông Việt hay không cũng cần được làm rõ.
Ngày 5/6/2023, làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, cán bộ địa chính xã Ông Đình, huyện Khoái Châu cho biết: Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên đã được UBND tỉnh cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân để triển khai dự án. Doanh nghiệp cũng đã thỏa thuận xong với người dân, hiện đang hoàn thiện các thủ tục đất đai liên quan. Thời điểm này, địa phương vẫn chưa nhận được các văn bản, giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng đất giữa các bên.
Ông Lê Khánh Duy - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu cho biết: UBND và các cơ quan chuyên môn của huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận đất đai, phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan. Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên đã nhận chuyển nhượng, trả tiền đền bù đầy đủ cho người dân có đất ruộng. Tuy nhiên, do còn một số vướng mắc nên Công ty chưa hoàn thiện các thủ tục sang tên quyền sử dụng đất. Vì thế, Công ty chưa hoàn thiện các thủ tục đất đai theo quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên là bà Vũ Thị Tú. Bà Tú cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Lộc Hưng Yên, có địa chỉ tại thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất bê tông thương phẩm. Trạm trộn bê tông của doanh nghiệp này nằm sát vị trí đất triển khai dự án của Công ty TNHH Nông Việt Hưng Yên. Thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Lộc Hưng Yên thường xuyên bị người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất, vận chuyển bê tông tươi.
Gần đây nhất, ngày 27/2/2023 UBND xã Tân Dân, huyện Khoái Châu đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này theo phản ánh của người dân địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, còn rất nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. UBND xã Tân Dân đã có văn bản yêu cầu công ty phải khắc phục những tồn tại, bất cập xong vào ngày 2/3/2023. Tuy nhiên, theo cán bộ địa chính xã Tân Dân, doanh nghiệp vẫn chưa gửi báo cáo khắc phục tồn tại, hạn chế cho địa phương.
Như vậy, những phản ánh của người dân về việc doanh nghiệp tự san lấp bằng cặn bê tông khi chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai, môi trường là có cơ sở. UBND huyện Khoái Châu cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu xảy ra sai phạm.