Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ
Là một trong những đề xuất của Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về ban hành Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN theo thủ tục rút gọn.
Theo HoREA, Ngân hàng Nhà nước vừa hoàn thành “Dự thảo Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đang được các tổ chức tín dụng và tất cả các khách hàng của các tổ chức tín dụng bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua nhà mong ngóng, chờ đợi.
Hiệp hội đánh giá cao nội dung “Dự thảo Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ” của Ngân hàng Nhà nước quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nhất là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ; trích lập dự phòng rủi ro và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ các khó khăn của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nên Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành (Dự thảo) “Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét xây dựng hoàn thiện và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp”.
Bởi, các Ngân hàng thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xử lý trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, nhưng lại không được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp do “vướng” quy định tại điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, nên có độ “vênh”, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) vẫn cho phép. Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp…”, nên rất cần thiết bãi bỏ điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN.
Tiếp đó, Điểm c khoản 1 Điều 1“Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN” đề xuất bổ sung điểm d khoản 8 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp: Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác” có độ “vênh”, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP) vẫn cho phép.
Thứ hai, mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu.
Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư, mà để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư thì trong đó có mục đích để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác, nên Hiệp hội cho rằng, cần thiết bỏ đề xuất bổ sung điểm d khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN tại điểm c khoản 1 Điều 1 - Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất và “trái chủ” được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.
Đan Linh