0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 25/02/2025 14:57 (GMT+7)

Chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế

Theo dõi KT&TD trên

Trong những năm gần đây, ngành Thuế đã tích cực ứng dụng các công nghệ mới, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan thuế cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Theo đó, chuyển đổi số giúp cải thiện hiệu quả, hiệu suất hoạt động trong công tác quản lý thuế; nâng cao trải nghiệm và tăng cường tính tuân thủ tự nguyện trong thi hành pháp luật thuế của người nộp thuế. Để làm rõ những nội dung trên, Phó Cục trưởng Cục CNTT Lưu Nguyên Trí đã chia sẻ những dấu ấn trong công tác chuyển đổi số góp phần đảm bảo công khai, minh bạch trong cải cách hành chính.

Chuyển đổi số không chỉ giúp ngành Thuế hiện đại hóa công tác quản lý mà còn là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy cải cách hành chính

PV: Xin ông cho biết trong thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai công tác chuyển đổi số đạt được những thành quả gì? Và ông có thể cho biết thêm một số dấu ấn rõ nét của kết quả đó?

Phó Cục trưởng Lưu Nguyên Trí: Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, trong năm 2025 và các năm tiếp theo, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để chuyển đổi số toàn ngành, từ đó góp phần cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo đó, để thực hiện đồng bộ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế đã quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu NSNN đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử, hóa đơn điện tử (HĐĐT) giúp đổi mới công tác quản lý thuế theo hướng hiện đại, theo xu hướng quốc tế, đặc biệt là quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT); tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN); hỗ trợ người nộp thuế (NNT) khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong những năm gần đây, việc triển khai chuyển đổi số của ngành Thuế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, ghi dấu ấn đậm nét trong việc đưa toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được Quốc hội, Bộ Tài chính giao. Dấu ấn đầu tiên, nhờ ứng dụng CNTT, công nghệ số, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai HĐĐT trên phạm vi toàn quốc và mở rộng triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.

Trong đó, năm 2024, ngành Thuế đã triển khai thành công HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền cho hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, đối với xăng dầu - ngành hàng có tính đặc thù cao, HĐĐT giúp ghi nhận giao dịch tức thời tại thời điểm bán hàng, hạn chế gian lận thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, mở rộng triển khai ứng dụng Dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile); triển khai Cổng tiếp nhận thông tin TMĐT; Cổng TTĐT cho Nhà cung cấp nước ngoài và Cổng TTĐT dành cho hộ, cá nhân có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT.

Bên cạnh đó, nhờ triển khai hệ thống phân tích dữ liệu lớn về NNT, HĐĐT,... thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, giúp cơ quan thuế phát hiện các hành vi bất thường và đưa ra các chuỗi cảnh báo rủi ro trong từng hoạt động quản lý thuế, từ đó tăng cường khả năng giám sát và kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý hóa đơn và xét hoàn thuế.

Không chỉ vậy, trong những năm qua, ngành Thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về văn bản chính sách pháp luật thuế và áp dụng AI trong việc cung cấp Trợ lý ảo hỗ trợ NNT, ứng dụng Trợ lý ảo cho công chức thuế trong công tác quản lý nợ, giúp giảm nguồn lực của cơ quan thuế và nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ NNT.

Ngoài ra, ngành Thuế còn chủ động tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư, xác thực định danh điện tử phục vụ triển khai sử dụng mã căn cước công dân thay cho mã số thuế từ ngày 01/7/2025; kết nối trao đổi thông tin với các đơn vị, Bộ, ngành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến liên thông phục vụ người dân, DN.

Có thể thấy, kết quả nêu trên là nền tảng để cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giúp tăng thu NSNN và góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ngành Thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030.

PV: Việc chuyển đổi số hiệu quả đã tác động thế nào đến công tác cải cách hành chính của ngành Thuế, thưa ông?

Phó Cục trưởng Lưu Nguyên Trí: Chuyển đổi số không chỉ giúp ngành Thuế hiện đại hóa công tác quản lý mà còn là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy CCHC. Ngành Thuế luôn gắn chuyển đổi số với cải cách thể chế theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC không cần thiết, ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ tự động tối đa theo luồng xử lý công việc, hạn chế sự can thiệp của con người trong quá trình thực hiện công vụ, từ đó giúp giảm thời gian xử lý, tăng hiệu suất của cán bộ thuế và minh bạch công tác quản lý thuế.

Bên cạnh đó, việc triển khai HĐĐT, hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền đã hỗ trợ tổ chức, DN, hộ cá nhân kinh doanh thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ, giúp giảm thời gian, chi phí tuân thủ TTHC  liên quan tới hóa đơn so với sử dụng hóa đơn giấy (chi phí gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn, giảm rủi ro về việc mất, cháy, hỏng hóa đơn; giảm thời gian kê khai, báo cáo về hóa đơn). Việc triển khai HĐĐT đã góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách TTHC, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của DN.

Ngoài ra, ngành Thuế đã triển khai các hệ thống Dịch vụ Thuế điện tử (eTax, iCanhan và eTax Mobile), Cổng tiếp nhận thông tin TMĐT và Cổng TTĐT cho Nhà cung cấp nước ngoài,… cung cấp cho người dân, DN các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế. NNT có thể lập hồ sơ khai thuế điện tử thay vì hồ sơ giấy, giúp NNT thực hiện các TTHC thuế một cách thuận lợi, mọi lúc, mọi nơi, an toàn và nhanh chóng.

Điểm nhấn trong hiệu quả công tác chuyển đổi số phải kể tới là 147 dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã được triển khai, trong đó 122 TTHC đã được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN khi chỉ cần truy cập vào một địa chỉ duy nhất, đăng nhập một tài khoản duy nhất để có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến về thuế và các dịch vụ công khác.

Qua đó, chuyển đổi số đã giúp đơn giản hóa TTHC, giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý thuế, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân, DN và cơ quan thuế.

Các ứng dụng về CNTT của ngành Thuế đã và đang giúp NNT thực hiện các TTHC thuế một cách thuận lợi, mọi lúc, mọi nơi, an toàn và nhanh chóng

PV: Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, thời gian tới, ngành Thuế sẽ triển khai việc chuyển đổi số ra sao?

Phó Cục trưởng Lưu Nguyên Trí: Trong những năm gần đây, ngành Thuế đã tích cực ứng dụng các công nghệ mới, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và mang lại nhiều lợi ích cho NNT và cơ quan thuế, giúp cải thiện hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế, nâng cao trải nghiệm và tăng cường tính tuân thủ tự nguyện trong thi hành pháp luật thuế của NNT. Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, trong năm 2025 và các năm tiếp theo, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, quy trình quản lý, ứng dụng CNTT với các công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số ngành Thuế. Trong đó, tập trung triển khai một số giải pháp, nhiệm vụ đột phá cụ thể sau:

Một là, chuyển đổi số nhằm tự động hóa quy trình quản lý thuế: Ngay trong tháng 3/2025, ngành Thuế sẽ triển khai hệ thống hoàn thuế TNCN tự động. Hệ thống sẽ tự động phân tích, đối chiếu dữ liệu và xử lý hoàn thuế mà không cần sự can thiệp thủ công của cán bộ thuế, giúp giảm thời gian giải quyết hồ sơ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý;

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống CSDL lớn về thuế, HĐĐT và các CSDL khác có liên quan; kết nối, chia sẻ với CSDL của các cơ quan, tổ chức bên ngoài, từ đó áp dụng công nghệ số, phân tích rủi ro, đưa ra danh sách NNT theo tiêu chí, mức độ rủi ro phục vụ công tác quản lý, đặc biệt là quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và chống chuyển giá.

Đồng thời, tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư để triển khai sử dụng mã định danh cá nhân thay cho MST cá nhân từ ngày 01/7/2025. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình nghiệp vụ thuế theo hướng đơn giản nhằm hỗ trợ tự động tối đa theo luồng xử lý công việc, hạn chế sự can thiệp của con người trong quá trình thực hiện, từ đó, giúp giảm thời gian xử lý, tăng hiệu suất của công chức thuế và minh bạch công tác quản lý thuế.

Ngành Thuế cũng đã chủ động xây dựng hệ thống CNTT tích hợp, tập trung trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ số, đáp ứng các quy trình nghiệp vụ mới; Ứng dụng các công nghệ 4.0 nhằm tự động hóa quy trình nghiệp vụ quản lý thuế phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ NNT, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế,...

Hai là, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN: Triển khai các Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) với mục tiêu đến hết năm 2025 cung cấp 100% DVCTT toàn trình, giúp nâng cao chất lượng phục vụ của công chức thuế và tăng sự hài lòng của NNT.

Đồng thời, mở rộng triển khai kết nối, trao đổi thông tin với các Bộ, ngành và các đơn vị bên ngoài (Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán, Quản lý đất đai,...) phục vụ xây dựng CSDL đầy đủ về NNT, từ đó hỗ trợ tự động xác định nghĩa vụ thuế và cung cấp thông tin tối đa cho NNT khi thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.

Và kết nối, trao đổi thông tin với Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an để triển khai trao đổi điện tử, tự động đối với Thông báo tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn/hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh, giúp NNT nắm bắt nhanh, đầy đủ thông tin và tự giác tuân thủ; công tác này sẽ được triển khai trong quý I/2025.

Ứng dụng công nghệ mới, bổ sung các tiện ích trong việc cung cấp các dịch vụ thuế điện tử nhằm tạo thuận lợi và giúp nâng cao trải nghiệm của NNT khi thực hiện các TTHC thuế như: Sử dụng công nghệ AI để phát hiện các giao dịch bất thường và các rủi ro của NNT để thông báo kịp thời cho NNT; mở rộng triển khai Chatbot AI phục vụ NNT hỏi đáp thông tin về thuế trên phạm vi toàn quốc

Ba là, chuyển đổi số nhằm tăng cường giám sát và nâng cao trách nhiệm cán bộ thuế: Trong năm 2025, ngành Thuế sẽ triển khai hệ thống CNTT trực tuyến cho phép NNT đánh giá mức độ hài lòng về chất lượng phục vụ của công chức khi thực hiện các TTHC về thuế.

Ngành Thuế cũng tiếp tục triển khai các giải pháp giám sát, kiểm soát hoạt động của cơ quan thuế, áp dụng AI để phân tích hiệu suất, hiệu quả làm việc của công chức thuế, kết hợp với đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết TTHC. Qua đó, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của công chức thuế. Những giải pháp này sẽ giúp ngành Thuế tiến gần hơn đến mục tiêu quản lý hiện đại, minh bạch và hiệu quả, lấy người dân, DN làm trung tâm để phục vụ trong thời đại số./.

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025
Chiều 25/2, tại Hà Nội, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 với chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động” đã chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo dịch vụ du lịch trên không gian mạng
Ngày 25/2, Công an thành phố Hà Nội cảnh báo, hiện nay, lợi dụng nhu cầu du lịch đầu năm của người dân gia tăng, các đối tượng xấu đang tìm cách lừa đảo thông qua thủ đoạn sử dụng các trang fanpage "mạo danh" khách sạn, nhà nghỉ để chiếm đoạt tiền đặt cọc thuê khách sạn, nhà nghỉ của người dân.
KienlongBank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 0% dành cho khách hàng cá nhân
Với mong muốn đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và khách hàng trong việc kịp thời bổ sung nguồn vốn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống, KienlongBank thực hiện chương trình ưu đãi cho vay với tổng hạn mức lên đến 3.000 tỷ đồng cùng mức lãi suất chỉ từ 0%.