Cho trường quốc tế vay tiền tỷ, khi con hết học thành nợ khó đòi
Ngày 25/9, Sở Giáo dục - Đào tạo TP. HCM đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình hình hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Trong đó nhấn mạnh, cần tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính.
Cho trường vay, con được miền học phí
Văn bản này của Sở Giáo dục - Đào tạo TP. HCM đưa ra sau sự việc một số phụ huynh tập trung trước cổng Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) tại Nhà Bè, TP. HCM, mang theo băng rôn có nội dung yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường trả nợ gây xôn xao dư luận.
Qua phản ánh của một phụ huynh sống tại Quận 3, TP. HCM có con học tại trường cho biết, gia đình bà đã ký hợp đồng cho AISVN vay vốn cách đây 8 năm. Hợp đồng do bà thay mặt gia đình đứng tên đại diện với số tiền cho vay là 2.619.600.000 đồng (tương đương 120.000 USD).
Toàn bộ số tiền 2.619.600.000 đồng đã được trường thu bằng phiếu thu ngày 6/7/2015. Đồng thời hai bên có ký phụ lục hợp đồng cùng ngày 9/7/2015 về việc thỏa thuận trường sẽ hoàn trả cho phụ huynh số tiền theo mức trượt giá, theo đó lấy tỷ giá USD làm chuẩn.
Theo lý giải của phụ huynh, việc gia đình đồng ý ký hợp đồng cho trường vay không lãi là để con được theo học không phải đóng học phí trong suốt các năm học tại trường và trường và sẽ hoàn trả lại số tiền này sau khi học sinh tốt nghiệp ra trường trong vòng 30 ngày.
Đến ngày 30/5/2021, con của bà đã hoàn thành khóa học và được trường tổ chức lễ tốt nghiệp. Sau đó, gia đình đã hoàn tất mọi thủ tục, nghĩa vụ có liên quan, đồng thời yêu cầu hoàn trả đủ số tiền đã cho trường vay theo đúng thỏa thuận đã ký.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lần yêu cầu được hoàn trả tiền, đến ngày 17/11/2021, phía trường mới ra văn bản có nội dung cam kết hoàn trả gói đầu tư, với thời hạn hoàn trả là bắt đầu từ ngày 10/12/2021. Tuy nhiên, mãi đến ngày 12/5/2022, gia đình ông mới nhận được số tiền hoàn trả là 658.417.000 đồng (tương đương 30.000 USD).
Gia đình phụ huynh đã chính thức khởi kiện trường ngày 9/9/2022, và 17/11/2022 đã nhận được thông báo thụ lý của Tòa án Quận 12.
Gói đầu tư giao dục: Ưu đãi và rủi ro
Theo ghi nhận thực tế, việc ký hợp đồng cho con học dưới hình thức đóng trước 1 gói (tiền) sau đó được miễn, giảm, ưu đãi học phí khá phổ biến trong các phụ huynh có con học trường quốc tế. Các gia đình đều xem đây là khoản đầu tư có lợi nếu tính tổng thể cả quá trình học của con tai trường. Bởi vị, các bậc phụ huynh đều có tính toán khá kỹ giữa mức học phí được miễn, giảm, ưu đãi so với tổng số tiền và so với lãi suất ngân hàng, lợi nhuận khi đầu tư các lĩnh vực khác...
Một nhà đầu tư là thành viên hội đồng quản trị một công ty cổ phần giáo dục đào tạo có trụ sở tại TP. HCM cho biết: để duy trỉ cơ sở vật chất bao gồm phòng học, sân chơi, hồ bơi, phòng thí nghiệm; đội ngũ nhân sự gồm các giáo viên giảng dạy và cán bộ quản lý người nước ngoài, giáo viên giỏi tuyển từ các nơi trong nước, nhân viên phục vụ… thì bài toán của trường quốc tế luôn phải tính đến sự cân bằng tài chính. Muốn có nguồn tài chính thì phải tăng cường tuyển sinh. Vì tuyển sinh thiếu hụt thì không đủ chi phí vận hành.
Để thu hút học sinh và giảm nỗi lo cho phụ huynh, nhiều trường quốc tế liên tục đưa ra các ưu đãi hoặc các chính sách chi trả học phí. Chẳng hạn như chia việc đóng học phí làm nhiều đợt; liên kết ngân hàng cho phụ huynh trả chậm tối đa 3 tháng không tính lãi suất; giảm 5 - 15% cho phụ huynh đóng trọn gói...
Đáng chú ý, nhiều trường làm riêng các gói tài chính theo các bậc học để thu hút phụ huynh đầu tư, tùy theo gói 3- 6- 9- 12 năm mà phụ huynh sẽ nhận được ưu đãi khác nhau. Ghi nhận trên các gói phổ biến, phụ huynh đóng góp khoản tiền từ 2 tỷ trở lên, không nhận lãi suất, các con sẽ được học miễn phí từ 2 năm trở lên, sau đó tùy theo thỏa thuận mà phụ huynh có thể nhận 1 phần lãi suất (tăng - giảm theo ngân hàng) hoặc đóng thêm học phí với mức ưu đãi 30 - 50 - 80%.
Thậm chí có gói đóng 1 khoản tiền lớn, học miễn phí đến 12 năm, nếu phụ huynh dừng hợp đồng thì được rút nguyên khoản tiền về, hoặc có thể sang nhượng số năm học còn lại (trong tổng số 12) cho người khác theo giá thỏa thuận.
Bỏ 1 khoản đầu tư lớn hàng tỷ đồng ngay từ ban đầu để có ưu đãi học phí lớn hay dùng tiền làm vốn kinh doanh rồi đóng phí hàng năm, đó là bài toán tài chính của nhà đầu tư. Còn việc gặp phải trắc trở khi tất toán gói đầu tư là chuyện khó tránh khỏi và thực tế đã từng xảy ra. Cách giải quyết thường là hai bên 'thỏa thuận".
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về đầu tư giáo dục: "không loại trừ việc thanh toán sẽ phát sịnh nhiều rắc rối khi nhà trường gặp khó khăn tài chính tạm thời, hoặc cố tình chây ì khi sử dụng nguồn tiền không đúng mục đích mà chưa bố trí đủ nguồn để thanh toán. Lúc đó rủi ro là các phụ huynh phải gánh chịu".
AISVN là một trong những trường có học phí cao ở TP.HCM, Theo thống kê, năm học 2023 - 2024, học phí nhiều trường quốc tế tăng gần 10 - 55 triệu đồng so với năm học trước. Với các trường đã công bố tuyển sinh, học phí bậc mầm non ở mức trung bình 125 - 455 triệu đồng/năm; tiểu học 150- 680 triệu đồng/năm; trung học từ 210 - 924 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, mức học phí cao nhất cho bậc học phổ thông đã lên đến 900 triệu đồng/năm (lớp 11- 12).