0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 10/06/2025 19:42 (GMT+7)

Cảnh báo rủi ro từ hoạt động cho vay ngang hàng

Theo dõi KT&TD trên

Theo Công an thành phố Hà Nội, trong bối cảnh công nghệ tài chính phát triển mạnh mẽ, hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang trở thành lựa chọn phổ biến tại Việt Nam nhờ tính tiện lợi và khả năng tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng nếu người dân thiếu hiểu biết hoặc bị dẫn dắt bởi thông tin sai lệch.

Nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi

Về bản chất, P2P Lending là mô hình kết nối trực tiếp người có nhu cầu vay và người cho vay qua nền tảng trực tuyến, không thông qua trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng. Đây từng được kỳ vọng là công cụ giúp người dân tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, đặc biệt là nhóm không đủ điều kiện vay tại ngân hàng, đồng thời góp phần hạn chế tín dụng đen.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending đã bị phát hiện lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng để trục lợi. Các nền tảng này thường quảng bá với lời mời gọi hấp dẫn như “lợi nhuận cao, rủi ro thấp”, “lãi suất cạnh tranh”, hay thậm chí đánh lừa người dùng rằng các khoản đầu tư được bảo hiểm, an toàn tuyệt đối. Trên thực tế, không ít người rơi vào bẫy lừa đảo, bị chiếm dụng vốn hoặc mất trắng tiền đầu tư.

Cảnh báo rủi ro từ hoạt động cho vay ngang hàng
(Ảnh minh họa: Công an Hà Nội)

Không chỉ vậy, một số nền tảng P2P Lending hoạt động mà không có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, dễ bị tấn công mạng, rò rỉ dữ liệu cá nhân. Nhiều đối tượng xấu còn núp bóng mô hình này để thực hiện các hành vi phi pháp như tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cầm đồ biến tướng hoặc tổ chức tài chính đa cấp.

Nhằm kiểm soát rủi ro và từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động P2P Lending, ngày 29/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Đây được xem là bước đi quan trọng trong việc định hình lại hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam.

Theo Nghị định 94, chỉ những doanh nghiệp công nghệ tài chính có đề án cụ thể, được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt mới được tham gia thử nghiệm mô hình P2P Lending, với thời gian không quá 2 năm. Các đơn vị tham gia phải xây dựng hệ thống đánh giá tín dụng minh bạch, đảm bảo quy trình xét duyệt khoản vay rõ ràng và có trách nhiệm báo cáo định kỳ. Đồng thời, các doanh nghiệp không được phép huy động vốn từ công chúng như ngân hàng thương mại.

Nghị định cũng yêu cầu các nền tảng phải công khai thông tin đầy đủ về chi phí, lãi suất, điều kiện vay. Tuyệt đối cấm hành vi quảng bá sai lệch, gây hiểu nhầm hoặc dùng chiêu trò để dụ dỗ người vay, nhà đầu tư. Đặc biệt, nghiêm cấm sử dụng mô hình cho vay ngang hàng như một vỏ bọc cho hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê hoặc thu thập dữ liệu cá nhân trái phép.

Cần tỉnh táo trước “bẫy” tín dụng thời công nghệ

Dự kiến, từ ngày 1/7/2025, Nghị định 94 sẽ chính thức có hiệu lực. Đây được kỳ vọng sẽ là mốc quan trọng giúp P2P Lending phát triển trong khuôn khổ pháp luật, minh bạch và an toàn hơn, đóng góp vào chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Trong thời gian chờ Nghị định đi vào thực thi, Phòng An ninh kinh tế - Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi tham gia các nền tảng cho vay trực tuyến.

Cụ thể, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin chính thống từ Ngân hàng Nhà nước, theo dõi danh sách các doanh nghiệp được phép thử nghiệm P2P Lending theo Nghị định 94. Khi có nhu cầu vay vốn, nên ưu tiên tiếp cận qua các kênh tín dụng ngân hàng hợp pháp, tránh xa các ứng dụng vay nóng, lãi suất cắt cổ hoặc có dấu hiệu giả mạo nền tảng P2P để lừa đảo.

Đặc biệt, cần hiểu đúng bản chất của mô hình P2P Lending - đây không phải là ngân hàng. Trước khi tham gia, người vay và nhà đầu tư nên đọc kỹ điều khoản, nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình để tránh những rủi ro không đáng có.

Trong kỷ nguyên công nghệ số, việc xuất hiện các hình thức tài chính mới là tất yếu. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, luôn đi kèm thách thức. Tỉnh táo, chủ động trang bị kiến thức và chỉ lựa chọn những nền tảng được cấp phép hợp pháp chính là cách tốt nhất để mỗi người dân bảo vệ mình trước những cạm bẫy tín dụng công nghệ núp bóng đổi mới.

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo rủi ro từ hoạt động cho vay ngang hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Nội: Thu giữ hàng nghìn sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhập lậu tại phố Bạch Mai
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội vừa kiểm tra và thu giữ hàng nghìn sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm dành cho trẻ em mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Altapharma, Hipp, Aptamil, Alete, Nivea… không rõ xuất xứ, được ẩn giấu tinh vi tại số 60 - 62 phố Bạch Mai ( Hai Bà Trưng).
Thái Bình: Khởi tố 02 đối tượng “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”
Ngày 12/6/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình (PC03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1994, trú tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) để điều tra làm rõ hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo Điều 193, Bộ luật hình sự
Chủ xe chọn VF 7 vì hơn hẳn về trang bị và vận hành
Không chỉ gây ấn tượng với thiết kế thể thao, sang trọng, công nghệ vượt trội và khả năng vận hành mạnh mẽ, VF 7 còn chinh phục người dùng nhờ chi phí sở hữu siêu tiết kiệm. Với loạt ưu đãi lên tới hàng trăm triệu đồng, mẫu C-SUV điện của VinFast đang trở thành lựa chọn đáng giá vượt tầm phân khúc.
CTCP Thiết bị Xăng dầu Petrolimex và CTCP Thủy điện Hủa Na bán đấu giá hơn 11 triệu cổ phiếu
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ngày 2-3/7 tới, HNX sẽ tổ chức hai phiên đấu giá bán cổ phần của hai công ty là CTCP Thiết bị Xăng dầu Petrolimex do Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Xây lắp và TM Petrolimex sở hữu và CTCP Thủy điện Hủa Na do Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP sở hữu
“Lá chắn” công nghệ trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái
Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành trên mọi mặt trận, từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, từ mặt hàng thiết yếu đến thực phẩm chức năng cao cấp, việc tăng cường ứng dụng công nghệ số được xem là “lá chắn” hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tỷ giá USD hôm nay (14/6): Đồng USD tăng giá
Tỷ giá USD hôm nay (14/6): Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,22%, hiện ở mức 98,14.