Cảnh báo rủi ro, lừa đảo từ Forex: Thấy gì từ sàn Cawada?
Mặc dù đã có rất nhiều vụ việc bị phanh phui, nhưng trên không gian mạng, nhiều đối tượng vẫn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để dụ dỗ khách hàng tham gia đầu tư vào các sàn Forex trái phép.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều quảng cáo mời gọi tham gia đầu tư thị trường ngoại hối với lãi suất siêu khủng. Theo đó, các sàn Forex đã cho nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức gọi điện chào mời, dụ dỗ tham gia các hội nhóm xã hội Zalo, Facebook, Telegram để tư vấn đầu tư.
Liên quan vấn đề các sàn Forex hiện nay vẫn đang âm thầm hoạt động ngầm tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã cảnh báo, việc quảng cáo, kêu gọi đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính, đặc biệt là hình thức đầu tư Forex tại Việt Nam có dấu hiệu của việc kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Bên cạnh những rủi ro khi tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh Forex cũng có thể vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại khoản 8 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định rõ, hoạt động kinh doanh, môi giới ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép quy định hoạt động sẽ bị phạt hành chính từ 200 - 250 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, trường hợp nhân viên môi giới (sàn Forex) sử dụng các chiêu trò gian dối, khiến nhà đầu tư thua lỗ, mất tiền có thể bị xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nạn nhân cầu cứu đến cơ quan chức năng
Mới đây, chị N.N.H (Bắc Ninh) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng về việc mình bị lừa khi đầu tư vào sàn một sàn forex. Theo đó, chị H. được được 2 người tên Th. và Nguyễn Văn L. mời tham gia sàn Forex CAWADA. Sau thời gian mời chào, trong tháng 9/2022 chị N.N.H đã đầu tư 49.900 USD (tương đương 1.147.700.000 VNĐ) vào sàn này để mua bán giao dịch tỷ giá vàng.
Quá trình giao dịch được một thời gian, chị H. đã rút được 24.556 USD. Sau đó, sàn Cawada vẫn hoạt động bình thường. Cho đến ngày 28/04/2023, Chị N.N,H tiếp tục thực hiện lệnh rút tiền còn lại là 25.344 USD (tương đương 582.912.000 đồng) nhưng lúc này hệ thống báo lỗi và không rút được tiền.
Chị N.N.H đã nhiều lần liên hệ với Th. và L. để làm rõ việc vì sao không rút được tiền, thế nhưng cả hai người này đều không liên lạc được. Hiện tại, tài khoản của chị tại sàn Cawada đã bị khoá và từ đó đến nay chị vẫn chưa rút được tiền.
Theo nội dung trong đơn tố cáo của chị N.N.H (Bắc Ninh), chủ sàn Cawada hiện nay tên là Nguyễn Văn L., sinh năm 1990, ngụ tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Chị H có nhiều lần liên hệ với Nguyễn Văn L. để làm rõ việc vì sao sàn Cawada xoá tài khoản của chị và không cho rút tiền. Thế nhưng, người này đã không nghe máy và luôn tránh né việc trả lời.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, Nguyễn Văn L. hiện đang là người đại diện pháp luật cho 3 công ty. Để làm rõ thông tin, Phóng viên đã điện thoại cho Nguyễn Văn L. Tuy nhiên, người này không nghe máy.
Can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt tiền
Cách đây không lâu, ngày 16/5, TAND TP.Hà Nội trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án lừa đảo bằng hình thức lập sàn giao dịch ngoại hối Rforex để chiếm đoạt tiền tỉ. Theo đó, tại phiên tòa, có một số người liên quan đề nghị tòa án xác định họ là bị hại.
Nhóm bị cáo hầu tòa gồm Phạm Thị Thái, Tống Văn Thắng, cựu cán bộ công an; Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Lương, Vũ Đình Hùng, cùng bị xét xử về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, vụ án có hai bị hại là chị Hoàng Thúy Q. và Lăng Thị N. đều ở Hà Nội. Hai người này bị chiếm đoạt hơn 8 tỉ đồng. Hai người đã nạp tiền vào tài khoản sàn forex do nhóm bị cáo lập ra. Sau đó, nhóm bị cáo đã can thiệp vào hai tài khoản này, đặt 80-90 lệnh dẫn đến tài khoản thua lỗ.
Được biết, để thực hiện hành vi, Vũ Đình Hùng mua tên miền Rforex.com, thuê máy chủ đặt tại Mỹ, làm hồ sơ đứng tên đại diện Công ty Rforex LTD (địa chỉ London, Anh) để làm thủ tục thuê phần mềm Mta Trader 5 (MT5) nhằm cho khách hàng tin tưởng đang giao dịch trên sàn quốc tế.
Trên phần mềm này, chủ sàn quản lý các tài khoản admin có thể can thiệp vào toàn bộ dữ liệu tài khoản khách hàng, tự thay đổi tên, mật khẩu, điều chỉnh số tiền nạp vào tài khoản, giao dịch ngẫu nhiên các lệnh dẫn đến “cháy” tài khoản, chặn kết nối đường truyền…
Trao đổi với báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Chủ tịch SBLaw - cho biết: "Nhằm lách luật, nhiều công ty núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo. 1 tờ giấy đăng ký kinh doanh với số vốn khủng chắc chắn là chưa đủ để chứng minh tính hợp pháp của sàn giao dịch đó". Theo luật sư, các sàn forex, chứng khoán quốc tế được các đối tượng quản trị thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng. Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản; can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, “đánh cháy” tài khoản của khách hàng...
"Nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng", chuyên gia lưu ý.
Nhiều chuyên gia về công nghệ từng lên tiếng cảnh báo, bản chất của các sàn giao dịch Forex là khách hàng chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng. Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: Chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Nhiều sàn Forex “rác”, sau khi thấy quy mô đã đủ lớn, chủ sàn sẽ "hốt sạch" tiền của các nhà đầu tư rồi đánh sập sàn giao dịch.
P.V