0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Chủ nhật, 01/10/2023 10:32 (GMT+7)

Sau soát xét, chứng khoán APEC chuyển từ lãi thành lỗ

Theo dõi KT&TD trên

Báo cáo tài chính sau soát xét, cho thấy lợi nhuận bán niên 2023 của CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC, mã chứng khoán: APS) đã chuyển từ lãi hơn 46 tỷ đồng thành lỗ gần 137 tỷ đồng.

Chứng khoán Apec chuyển từ lãi thành lỗ sau kiểm toán

Chứng khoán Apec vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm âm 137 tỷ đồng, giảm gần 183 tỷ đồng so với báo cáo tự lập (lãi 46 tỷ đồng).

Mức chênh lệch lớn là do chi phí quản lý công ty chứng khoán tăng mạnh 172 tỷ đồng sau kiểm toán, lên mức 181 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc công ty ghi nhận phần chi phí (hoàn nhập)/trích lập dự phòng tại báo cáo kiểm toán lên tới 172 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập khoản này âm 69 triệu đồng.

So với cùng kỳ năm 2022, doanh thu của APS trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 127%, đạt 360 tỷ đồng. Con số lỗ sau thuế gần 137 tỷ đồng vẫn khả quan hơn 6 tháng đầu năm ngoái lỗ 304 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính tới thời điểm cuối quý 2/2023 là gần 22 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2023, khoản mục tài sản chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của APS ghi nhận hơn 517 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, cổ phiếu niêm yết có giá trị hợp lý là 313 tỷ đồng trong khi giá gốc lên đến gần 455 tỷ đồng. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn như IDJ (hơn 133 tỷ đồng), API (83 tỷ đồng), CTI (23 tỷ đồng), TNH (17 tỷ đồng), CRE (16 tỷ đồng)…

Ngoài ra, APS còn nắm giữ nhiều cổ phiếu chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch như CTCP Tập đoàn Apec Group (gần 141 tỷ đồng), CTCP Apec Finance (30 tỷ đồng), CTCP Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (15 tỷ đồng)… Tổng giá trị hợp lý tại thời điểm cuối quý 2 là 202 tỷ đồng trong khi giá gốc là gần 222 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 của Chứng khoán Apec là đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản mục “tạm ứng” trên bảng cân đối kế toán.

Cụ thể, tại ngày 30/06/2023, khoản tạm ứng cho các cá nhân là nhân viên công ty với mục đích tạm ứng kinh doanh số tiền hơn 172 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này chỉ 774 triệu đồng.

Theo đơn vị kiểm toán, tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được soát xét, kiểm toán viên chưa được cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến tình hình sử dụng các khoản tạm ứng nêu trên.

“Mặc dù ban tổng giám đốc đã đánh giá các khoản tạm ứng trên là những khoản có thể gây ra tổn thất tài sản và đã thực hiện trích lập dự phòng 100% giá trị. Tuy nhiên, thời điểm phát hành báo cáo này, chúng tôi không đánh giá được tính hợp lý của số dư các khoản tạm ứng nêu trên, cũng như mục đích sử dụng các khoản tạm ứng này”, kiểm toán viên của UHY nêu.

Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh liên quan đến việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại các công ty thuộc Apec Group vào ngày 28/06/2023.

Theo đơn vị kiểm toán, tại ngày 30/06/2023, APS đang ghi nhận giá trị mã cổ phiếu API là 83,7 tỷ đồng và mã cổ phiếu IDJ là 133,1 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra và đến nay chưa có kết luận chính thức. Tuy nhiên, các mã chứng khoán này của công ty hiện không giao dịch được theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Hồi cuối tháng 6/2023, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra thông báo về việc Quyết định khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (APS). Đồng thời, ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015, gồm: Nguyễn Đỗ Lăng (sinh năm 1974), trú tại 12AT3 Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán châu Á Thái Bình Dương; Phạm Duy Hưng (sinh năm 1979), trú tại số nhà 14 Q27, ngõ 136 Nguyễn An Ninh, phường Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán châu Á Thái Bình Dương; Huỳnh Thị Mai Dung (sinh năm 1975), trú tại 12AT3 Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (vợ Nguyễn Đỗ Lăng); Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1981), trú tại số 29/267 Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, Kế toán trưởng Công ty cổ phần chứng khoán châu Á Thái Bình Dương; Phạm Thị Đức Việt (sinh năm 1982), trú tại P807 tòa N01 T5 Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phó phòng dịch vụ khách hàng Công ty cổ phần chứng khoán châu Á Thái Bình Dương.

Thời điểm này, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã phê chuẩn các Quyết định tố tụng trên.

Đạt Bùi

Bạn đang đọc bài viết Sau soát xét, chứng khoán APEC chuyển từ lãi thành lỗ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.