0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 13/09/2023 14:07 (GMT+7)

Cần xử lý dứt điểm những vi phạm trong khai thác đá ở Hòa Bình

Theo dõi KT&TD trên

Kết luận của TTCP năm 2021, kết luận thanh tra của Sở TNMT tỉnh Hòa Bình năm 2022 đã chỉ rõ những tồn tại, vi phạm nhưng đến nay nhiều đơn vị, cá nhân chưa bị xử lý trách nhiệm.

Sai phạm vẫn tiếp diễn

Theo tìm hiểu thông tin năm 2021, UBND huyện Lương Sơn đã tổ chức kiểm tra, rà soát các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, rà soát có 30/34 mỏ không đảm bảo an toàn về khoảng cách tối thiểu từ cơ sở khai thác đến khu dân cư; 26 mỏ chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường; quá trình vận chuyển qua các khu dân cư gây mất an toàn giao thông, các tuyến đường giao thông nhanh xuống cấp, hư hỏng; một số doanh nghiệp hoạt động quá giờ quy định, thậm chí hoạt động vào ban đêm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân...

Cần xử lý dứt điểm những vi phạm trong khai thác đá ở Hòa Bình (Bài cuối) - Ảnh 1
Cận cảnh khai thác mỏ đá.

Năm 2023, theo thống kê trên địa bàn huyện Lương Sơn có 44 mỏ đá đang hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường nằm trên địa bàn 7 xã, chiếm trên 60% tổng số mỏ đá của toàn tỉnh. Trong đó, xã Liên Sơn có 16 mỏ, xã Cư Yên 2 mỏ, xã Hòa Sơn 2 mỏ, xã Tân Vinh 4 mỏ, xã Thanh Cao 2 mỏ, xã Cao Dương 17 mỏ, xã Cao Sơn 1 mỏ. Đáng nói, qua kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng thì trong 44 mỏ đá trên địa bàn huyện đang hoạt động có đến 35 mỏ vi phạm về thiết kế, cắt tầng trong khai thác; 25 mỏ vi phạm về môi trường, khoảng cách an toàn, nợ thuế...

Cuối năm 2022, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình cũng ban hành kết luận thanh tra số 488/KL-STNMT ngày 18/11/2022 về việc chấp hành pháp luật của các mỏ đá tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương.

Cần xử lý dứt điểm những vi phạm trong khai thác đá ở Hòa Bình (Bài cuối) - Ảnh 2
Con đường dân sinh nhưng cũng là đường dẫn vào khu mỏ khai thác đá.

Trong kết luận nêu rõ sai phạm của các mỏ khai thác đá; Cụ thể như Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Lương Sơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại Quyết định số 07/QĐ-XPVPHC ngày 04/8/2022 với số tiền là 60 triệu đồng. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm số tiền là 787 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Cao Dương Phát Đạt bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường 90 triệu đồng, trong lĩnh vực đất đai 170 triệu đồng. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm số tiền 234 triệu đồng.

Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Đạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường số tiền 60 triệu đồng.

Đặc biệt kết luận thanh tra cũng chỉ rõ cả 6 mỏ đá khi thanh tra đều chưa lắp đặt trạm cân và camera giám sát tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan. Phải chăng đây là hành vi gian lận để trốn nộp thuế khai thác tài nguyên khoáng sản.

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra còn nêu rõ vi phạm đất đai đối với Công ty Cổ phần Cao Dương Phát Đạt chưa thực hiện thủ tục thuê đất đối với diện tích 18,5ha. Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Lương Sơn chưa thực hiện thủ tục thuê đất diện tích 9,8ha.

Cần mạnh tay trong xử lý

Vấn đề khai thác khoáng sản, tài nguyên của nước ta đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các bộ ngành Trung ương. Cũng phải nói thêm rằng tỉnh Hòa Bình hiện có số lượng mỏ được cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản lớn nhất cả nước, theo số liệu của Sở TNMT tỉnh Hòa Bình cung cấp 93 dự án hoạt động khai thác khoáng sản. Riêng huyện Lương Sơn có tới 49 dự án (chiếm 52,6%) và cũng là điểm nóng về vấn đề ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản.

Cần xử lý dứt điểm những vi phạm trong khai thác đá ở Hòa Bình (Bài cuối) - Ảnh 3
Lãnh đạo địa phương nhiều lần đối thoại với dân nhưng sự việc ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn.

Vào ngày 21/3/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - Quách Tất Liêm, đã làm việc với huyện Lương Sơn về hoạt động các mỏ khai thác đá. Qua kiểm tra trên địa bàn huyện có 35/44 mỏ vi phạm về thiết kế; 25/44 mỏ vi phạm về môi trường, khoảng cách an toàn, nợ thuế… Theo quan điểm của Phó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ đình chỉ hoạt động tất cả các mỏ đá đang có vi phạm về thiết kế, môi trường… đến khi khắc phục xong sai phạm mới được hoạt động trở lại.

Như vậy, việc vi phạm các quy định pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản tỉnh Hòa Bình vẫn chỉ nằm ở mức độ đình chỉ hoạt động những mỏ đang có vi phạm chứ chưa xử lý theo quy định pháp luật hay quy trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền theo quy định.

Cần xử lý dứt điểm những vi phạm trong khai thác đá ở Hòa Bình (Bài cuối) - Ảnh 4
Mới đây người dân thung Ngái Om lại chặn đường vào mỏ do ô nhiễm môi trường.

Từ vấn đề trên, dư luận cũng đặt ra nghi vấn về việc liệu tỉnh Hòa Bình có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm khai thác đá ở Hòa Bình. Đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các cán bộ chuyên môn được giao nhiệm vụ.

Phải chăng trong thời gian qua các vi phạm của các mỏ khai thác đá vẫn cứ tiếp diễn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống của người dân mà còn gây thất thoát tài nguyên khoáng sản nhà nước.

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 tại tỉnh An Giang. Ngoài các bị can của Công ty Trung Hậu còn có Giám đốc Sở TN&MT và Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Bị can Lê Quang Bình, Chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc Công ty Trung Hậu đã lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, chỉ đạo nhân viên và thuê nhiều người tổ chức khai thác cát vượt trữ lượng được cấp phép. Bước đầu cơ quan điều tra xác định công ty của Lê Quang Bình đã khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỉ đồng.

Ngày 17/2/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và thi hành lệnh khám xét đối với ông Trương Minh Hiến (SN 1960, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam) và ông Vũ Hữu Song (SN 1959, nguyên Giám đốc Sở TN&MT) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Liên quan đến vụ việc trên, tháng 12/2022, TAND tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt Nguyễn Văn Diễn giám đốc Công ty Tiến Đạt 6 năm tù, Vũ Đức Tuấn 2 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên". Năm 2011, Công ty Châu Giang được UBND tỉnh Hà Nam cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ núi đá Hang Diêm, thời hạn 30 năm. Trong vụ án này, Vũ Đức Tuấn (kế toán của Công ty Tiến Đạt, từ ngày 26/12/2018 đến ngày 31/01/2021) đã trực tiếp tính toán, tổng hợp hóa đơn giá trị gia tăng của công ty này để xuất, bán cho một số công ty khác với tổng khối lượng gần 355.000 m3 sét xi măng, trị giá hơn 31 tỷ đồng.

Văn Dân - Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Cần xử lý dứt điểm những vi phạm trong khai thác đá ở Hòa Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà
Dù lãi suất cho vay mua nhà duy trì mức thấp suốt hơn 1 năm qua, nhưng nghịch lý là không có nhiều người dân lựa chọn vay ngân hàng để mua nhà. Thực tế là giá chung cư tại Hà Nội liên tục leo thang, lãi suất cho vay mua nhà lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.