0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 28/07/2025 20:12 (GMT+7)

Cần cú hích từ tín dụng và đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng GDP

Theo dõi KT&TD trên

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức tham vọng từ 8,3% đến 8,5%, cao hơn đáng kể so với mức dự kiến của nhiều tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia kinh tế, cần vượt qua nhiều thách thức hiện hữu và tận dụng tối đa ba "động cơ tăng trưởng" then chốt: đầu tư công, tín dụng và dòng vốn FDI.

Sáng 28/7, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm và hàm ý chính sách "vượt khó khăn để bứt phá".

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8,3-8,5%, mục tiêu này được xem là đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro và các áp lực bên ngoài vẫn chưa hạ nhiệt.

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Lê Hoàng Anh - Trưởng Bộ môn Fintech, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (HUB) - đại diện nhóm nghiên cứu công bố báo cáo phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô do trường này thực hiện.

Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm được đánh giá rất triển vọng, với khả năng đạt và vượt mục tiêu 8% đã đề ra. Nếu đạt được mức tăng trưởng này, sản lượng nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng tổng cộng 36,5%, tương ứng mức bình quân 6,5% mỗi năm.

Theo ông, có nhiều động lực quan trọng đang cùng lúc thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm. Trước hết là dòng vốn đầu tư tư nhân, được dự báo sẽ tăng mạnh nhờ môi trường kinh doanh cải thiện, các chính sách hỗ trợ thuế và tín dụng phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch đầu tư vào công nghệ cao, số hóa và năng lượng tái tạo đang góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực đổi mới sáng tạo dài hạn.

Cần cú hích từ tín dụng và đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng GDP
PGS.TS Lê Hoàng Anh - Trưởng Bộ môn Fintech, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. (Ảnh: BTC)

Tiêu dùng nội địa cũng là điểm sáng, khi thế hệ tiêu dùng mới, gồm những người trẻ, có thu nhập và học vấn cao - ngày càng ưa chuộng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng và ứng dụng công nghệ. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu góp phần thúc đẩy nhu cầu trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, du lịch, giải trí, y tế.

Ngoài ra, dòng vốn FDI vẫn duy trì ổn định, tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, công nghệ cao và năng lượng tái tạo, nhờ vào niềm tin của nhà đầu tư quốc tế đối với chính sách cải cách của Việt Nam.

Đầu tư công tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, với kế hoạch giải ngân toàn bộ vốn đầu tư năm nay, đặc biệt tập trung vào hạ tầng giao thông, đô thị và năng lượng.

Cuối cùng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu giảm và tăng trưởng còn yếu, xu hướng nới lỏng tiền tệ và tài khóa ở nhiều quốc gia đang mở ra dư địa cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là thay thế thị trường Mỹ khi các chính sách thuế đối ứng có hiệu lực.

Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbirght Việt Nam cho biết, với mức tăng trưởng 7,52% trong 6 tháng vừa qua, nhiều người kỳ vọng đà phục hồi sẽ được duy trì, thậm chí có thể tăng tốc trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, triển vọng này đang đối mặt với nhiều thách thức cả trong nước và quốc tế, khiến khả năng tăng trưởng chậm lại trở thành một kịch bản có thể xảy ra, dù vẫn còn một số lực đẩy như đầu tư công, tín dụng và niềm tin vào khu vực tư nhân.

Xuất khẩu là điểm sáng trong nửa đầu năm, với mức tăng 14,5%, chủ yếu nhờ đơn hàng tăng mạnh từ thị trường Mỹ. Sự gia tăng này phần lớn đến từ tâm lý "mua trước" để tránh các chính sách thuế mới, khiến doanh nghiệp Mỹ đẩy nhanh nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, hiệu ứng này được dự báo sẽ khó duy trì lâu dài. Sức cầu toàn cầu suy yếu, trong khi các rào cản thương mại vẫn chưa được tháo gỡ. Theo ông Thành, xuất khẩu sang Mỹ trong 6 tháng cuối năm có thể chỉ còn tăng khoảng 5-7%. Ở các thị trường khác như Trung Quốc và ASEAN, tình hình cũng không khả quan khi sức mua giảm và hàng hóa Trung Quốc tràn ngập với giá rẻ.

Trong nước, tiêu dùng nội địa chưa phục hồi rõ nét. Doanh số bán lẻ giảm tốc từ tháng 5, tiêu thụ xăng dầu giảm cả về giá và sản lượng, chỉ số PMI phần lớn thời gian dưới ngưỡng 50 điểm phản ánh tâm lý dè dặt của doanh nghiệp. Sản lượng điện chỉ tăng khoảng 4%, mức thấp so với những năm nền kinh tế tăng trưởng cao. Những yếu tố này cho thấy đà phục hồi chưa thực sự bền vững.

Trong bối cảnh đó, đầu tư công được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chủ lực. Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân khoảng 700.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng 21% so với năm trước, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Việc ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, kết hợp với chi thường xuyên và các khoản hỗ trợ chính sách, sẽ góp phần cải thiện tổng cầu và kích thích nền kinh tế.

Tín dụng cũng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn còn lại của năm. Trong nửa đầu năm, tín dụng tăng khoảng 6,6-6,9%, mức khá cao nếu so với cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên, theo ông Thành, chỉ khoảng 2/3 lượng tín dụng tăng thêm là vốn thực sự chảy vào sản xuất kinh doanh. Phần còn lại là các khoản tái cơ cấu hoặc điều chuyển nội bộ.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước như đã đề ra, tăng trưởng tín dụng cả năm cần đạt khoảng 18 đến 19%, vượt xa mức định hướng ban đầu là 16%. Việc mở rộng tín dụng cần đi kèm với phân bổ hợp lý, tránh gây áp lực lên lãi suất trong khi cung tiền vẫn tăng chậm hơn.

Về chính sách điều hành, ông Thành cho rằng Chính phủ tiếp tục định hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua mở rộng chi ngân sách và duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ không vội hạ thêm lãi suất điều hành. Thay vào đó, cơ quan này có thể lựa chọn cách tiếp cận có chọn lọc như hỗ trợ giảm lãi suất cho vay một số lĩnh vực, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất huy động để bảo vệ tỷ giá.

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất từ 1 đến 2 lần trong nửa cuối năm, Việt Nam sẽ có thêm dư địa để điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nếu Fed giữ lãi suất ở mức cao đến cuối năm, áp lực mất giá tiền đồng sẽ gia tăng, từ đó hạn chế khả năng nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.

Một số yếu tố tích cực vẫn đang hỗ trợ nền kinh tế. Giá dầu thế giới được dự báo sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ, góp phần kiểm soát chi phí đầu vào và giữ vững ổn định giá cả trong nước. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn duy trì xu hướng tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện tăng 8%, còn vốn đăng ký tăng gần 33%, phản ánh niềm tin dài hạn của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

H.P (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần cú hích từ tín dụng và đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xu hướng số hóa quản lý tài sản ở các tập đoàn lớn
Tài sản trong doanh nghiệp vốn rất đa dạng, quản lý tài sản chính là để tối ưu giá trị sử dụng và tạo giá trị cho tài sản. Với sự hỗ trợ của các phần mềm quản lý tài sản ở các tập đoàn đa ngành đang dần được số hóa, giúp tối ưu vòng đời, tối ưu hiệu suất.

Tin mới

Vì sao trạm dừng nghỉ cao tốc chậm tiến độ?
Chỉ còn 5 tháng nữa là đến hạn hoàn thành, nhưng nhiều trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn đang chậm tiến độ. Nguyên nhân chính được xác định là do chậm bàn giao mặt bằng và những thay đổi liên quan đến cơ chế, chính sách.
Xu hướng số hóa quản lý tài sản ở các tập đoàn lớn
Tài sản trong doanh nghiệp vốn rất đa dạng, quản lý tài sản chính là để tối ưu giá trị sử dụng và tạo giá trị cho tài sản. Với sự hỗ trợ của các phần mềm quản lý tài sản ở các tập đoàn đa ngành đang dần được số hóa, giúp tối ưu vòng đời, tối ưu hiệu suất.