0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 08/07/2025 10:53 (GMT+7)

Tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng

Theo dõi KT&TD trên

Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động bởi nhiều yếu tố: từ các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ngay đầu giờ sáng 08/7 giờ Việt Nam, Mỹ công bố mức thuế từ 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa, cho thấy nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới. Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại.

Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính – tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tỷ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.

Tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng - Ảnh 1
NHNN thông tin tại buổi họp báo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025.

Trước bối cảnh đó, NHNN luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp; điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị quốc tế diễn biến khó lường, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.

Trên cơ sở các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2025 do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, thông báo công khai, minh bạch nguyên tắc xác định để các ngân hàng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Đồng thời, ngành Ngân hàng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP (quy mô hiện là 145.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số nhằm thực hiện các dự án trọng điểm/quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực giao thông, điện lực và công nghệ số theo danh mục do các Bộ, ngành công bố; cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (nâng quy mô lên 100.000 tỷ đồng)…

Với những giải pháp đồng bộ, tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ đầu năm, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.

Trong 5 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024, giao dịch TTKDTM tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,09% về số lượng và 34,46% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 39,90% về số lượng và 23,22% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 76,62% về số lượng và 179.14% về giá trị; qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 9,99% về số lượng và tăng 39,85% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 14,33% về số lượng và 3,85% về giá trị.

Trong lĩnh vực thanh toán, chuyển đổi số ngân hàng, NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, góp phần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới, tiện ích, hiện đại. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng đạt những kết quả tích cực. Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp Bộ Công an triển khai Đề án 06và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, hiện thực hóa các mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia.

Tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng - Ảnh 2
Ngành ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa

Về định hướng điều hành CSTT và hoạt động của ngành ngân hàng từ nay tới cuối năm, NHNN cho biết sẽ điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Tập trung triển khai thực hiện các Nghị định về TTKDTM, Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; Phối hợp triển khai có hiệu quả các kế hoạch của ngành ngân hàng về chuyển đổi số, về triển khai Đề án 06, về triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Tại các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, đến ngày 27/6/2025 đã có hơn 119 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) được đối chiếu, cập nhật thông tin sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID (đạt 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số); hơn 1,1 triệu hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học (đạt hơn 100% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số). Đồng thời góp phần loại bỏ gần 86 triệu tài khoản “chết”[1]. Sau một thời gian làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, áp dụng giải pháp đối khớp thông tin sinh trắc học, so với cùng kỳ năm 2024, số lượng khách hàng cá nhân bị lừa đảo, mất tiền giảm 57%, số lượng tài khoản cá nhân nhận tiền lừa đảo giảm 47%.

Báo cáo “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025” được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại Hội nghị “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng”.

Duy Khánh

Bạn đang đọc bài viết Tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hút vốn ngoại từ cải cách đầu tư
FDI vào Việt Nam nửa đầu năm đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Chính sách ưu đãi, cải cách đơn giản hoá thủ tục và mô hình “một cửa” được kỳ vọng tiếp tục hút vốn ngoại trong thời gian tới.
Đầu tư thông minh: Biến rủi ro thành cơ hội
Trong thế giới đầu tư đầy biến động, khả năng nhận diện và chuyển hóa rủi ro thành cơ hội đã trở thành yếu tố phân biệt giữa các nhà đầu tư thành công và những người chỉ đơn thuần may mắn.
Dòng vốn FDI và cơ hội cho nhà đầu tư trong nước
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập sâu rộng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một yếu tố quan trọng định hình cảnh quan đầu tư của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Tin mới

Bài học từ vụ lừa đảo Mr Pips
Vụ án lừa đảo công nghệ cao liên quan đến đối tượng Phó Đức Nam (biệt danh Mr Pips) đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ bởi quy mô khổng lồ, thủ đoạn tinh vi mà còn bởi số lượng nạn nhân lan rộng.
SeABankers Vì trẻ thơ - Một thập kỷ yêu thương khởi nguồn từ trái tim
“Hành động nhỏ hôm nay sẽ làm nên điều diệu kỳ cho thế hệ trẻ mai sau” là tinh thần xuyên suốt hành trình 10 năm của chương trình “SeABankers Vì trẻ thơ” - sáng kiến thiện nguyện đầy tính nhân văn do chính cán bộ nhân viên (CBNV) Ngân hàng SeABank khởi xướng và thực hiện từ năm 2015 đến nay.