Cần cập nhật thông tin về thị trường BĐS để bảo đảm tính minh bạch của thị trường
Ủy ban Kinh tế phối hợp Bộ Xây dựng, Viện Konrad – Adenauer vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Tại hội thảo, các đại biểu đã có ý kiến cho rằng, dự án Luật này quan trọng, được người dân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quan tâm, nếu được thông qua sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, giúp phát triển thị trường bất động sản (BĐS) và quản lý chặt chẽ thị trường này.
Theo các đại biểu, cần làm rõ hơn về điều kiện kinh doanh dịch vụ BĐS; giao dịch kinh doanh BĐS; sàn giao dịch BĐS; công khai, cập nhật thông tin về thị trường BĐS để bảo đảm tính minh bạch của thị trường.
Hiện tại cần đơn giản hóa hơn trong việc mua, bán, chuyển nhượng, đấu giá BĐS; việc thanh toán, bảo lãnh trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai…
Đối với quy định về sàn giao dịch BĐS, các đại biểu đề nghị cần rà soát, phân tích toàn diện các ưu điểm, hạn chế sau khi thực hiện khảo sát và đánh giá tác động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng khác có liên quan, nhất là các vấn đề bảo đảm công khai, minh bạch giá bán từ chủ đầu tư, giá qua sàn, tránh thông đồng, nâng giá, ảnh hưởng tới các quyền của người mua.
Góp ý quy định về Hợp đồng trong Kinh doanh bất động sản, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Ung Thị Xuân Hương cho rằng, Hợp đồng Kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp Kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Theo bà Hương, quy định này là không phù hợp cho việc bảo vệ bên yếu thế là người mua, nhận chuyển nhượng BĐS từ chủ đầu tư, từ thực trạng thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian vừa qua và theo các Điều ước quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là “Hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng” năm 2016.
Quy định trên không đảm bảo minh bạch thị trường BĐS, một số các giao dịch tiềm ẩn tranh chấp, người mua bị mất tài sản, hoặc bị chiếm dụng tài sản thông qua các hợp đồng, giao dịch không đúng quy định của pháp luật. Các giao dịch chưa tích hợp trong một hệ thống nhằm cung cấp thông tin cho hoạt động quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, quy định như trên không đảm bảo phòng ngừa tranh chấp khi không được một bên thứ ba độc lập kiểm tra, chứng nhận về tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
Bà Ung Thị Xuân Hương nhấn mạnh, hiện nay, ba vai trò trên đang được thực hiện bởi hoạt động công chứng, do đó việc không buộc các hợp đồng Kinh doanh bất động sản phải công chứng, chứng thực là không phù hợp với thực trạng của Việt Nam và cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam là thành viên.
Cần quy định hợp đồng KKinh doanh bất động sản, phải được công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực; Hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Góp ý về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch tại sàn giao dịch BĐS, một số ý kiến cho rằng, việc ký hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS với sàn giao dịch BĐS về dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ tư vấn BĐS, dịch vụ quản lý BĐS.
Thiên An