Bình Dương: Đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn trong công tác xã hội hóa
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về pháp lý thì các vấn đề liên quan quy hoạch, sử dụng đất cũng là điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chính sách xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tại Phiên giải trình về tình hình và kết quả thực hiện các chính sách xã hội hóa trên địa bàn tỉnh do thường trực HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức, lãnh đạo các Sở đã báo cáo những khó khăn cần được “tháo gỡ”, đặc biệt là công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất để đầu tư các dự án xã hội hóa.
Cụ thể, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh Bình Dương có 43 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong đó 5 dự án y tế, 20 dự án giáo dục, 14 dự án thể thao và 4 dự án môi trường. Thời gian qua, Sở thực hiện công bố công khai các thủ tục hành chính về xã hội hóa. Bên cạnh đó, khi xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các địa phương, đảm bảo bố trí quỹ đất dành cho các dự án xã hội hóa, trong đó chú trọng quỹ đất các dự án xã hội hóa tại các khu đô thị và khu, cụm công nghiệp…
Trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất để đầu tư các dự án xã hội hóa, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, quá trình triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, UBND cấp huyện đã chú trọng dành quỹ đất cho lĩnh vực xã hội hóa. Tuy nhiên công tác dự báo chưa tính toán được đầy đủ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực để đưa vào quy hoạch hoặc chưa bố trí cụ thể vị trí, diện tích đất cho từng lĩnh vực. Điều này dẫn đến việc một số khu đất được các cơ quan chuyên ngành hoặc chính quyền địa phương có nhu cầu thu hút đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa nhưng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, do các nhà đầu tư đề xuất sau thời điểm quy hoạch được phê duyệt.
Bên cạnh đó, quá trình xã hội hóa trong giáo dục, y tế và các ngành khác cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Do vậy, không đủ điều kiện để sử dụng tài sản công gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định vì thế các cơ sở giáo dục phải chấm dứt việc cho thuê bán căn tin, nhà giữ xe phục vụ nhu cầu cho học sinh khi chưa có đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trên địa bàn tỉnh có 105 bệnh viện, phòng khám đa khoa chưa có Giấy phép môi trường, nguyên nhân do mục đích sử dụng đất không phải là đất y tế và giấy phép xây dựng không phù hợp. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, các phòng khám đa khoa, bệnh viện đã chính thức đi vào hoạt động trước ngày Luật có hiệu lực thì trước ngày 01/01/2025 phải có Giấy phép môi trường mới được tiếp tục hoạt động. Sở Y tế đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu phương án đảm bảo điều kiện hoạt động đối với các cơ sở y tế đã được xây dựng trước khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, đồng thời kiến nghị Chính phủ ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc này.
Sở Công Thương cho biết: Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 961 chợ đang hoạt động. Trong đó, chợ được đầu tư từ nguồn ngân sách do UBND cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn quản lý 29 chợ, chiếm 30% và có 67 chợ do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chiếm 70%. Công tác xã hội hóa kêu gọi đầu tư nâng cấp các chợ hoặc chuyển từ chợ tạm thành chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và đất đai (thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất).
Trước những khó khăn trong công tác xã hội hoá các lĩnh vực của địa phương, lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ tìm các tháo gỡ những nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các chính sách nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả công tác xã hội hoá.