Bài học từ vụ lừa đảo Mr Pips
Vụ án lừa đảo công nghệ cao liên quan đến đối tượng Phó Đức Nam (biệt danh Mr Pips) đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ bởi quy mô khổng lồ, thủ đoạn tinh vi mà còn bởi số lượng nạn nhân lan rộng.
Hơn 5.300 tỷ đồng bị thu giữ, hàng trăm người sập bẫy “đầu tư ảo”, con số là hồi chuông cảnh tỉnh cho bất kỳ ai còn mơ hồ trước những lời mời gọi làm giàu nhanh chóng trong thời đại số.
Những ngày qua, Công an thành phố Hà Nội công bố thông tin khởi tố 44 bị can trong đường dây lừa đảo tài chính do Phó Đức Nam cầm đầu khiến dư luận xã hội xôn xao.
Anh Nguyễn Hưng (phường Từ Liêm) chia sẻ: “Thật khó tin là một nhóm người có thể dựng lên cả một hệ thống đầu tư tài chính ảo công khai, hoạt động bài bản, có kế toán riêng, có đội ngũ mời gọi rót vốn như thật. Người ngoài nhìn vào thấy bảng lãi suất cao, hình ảnh xe sang, du lịch nước ngoài, livestream phân tích đầu tư, thì dễ tưởng đây là một công ty toàn cầu thật sự”.
Cái gọi là “Mr Pips” thực chất chỉ là vỏ bọc được dựng lên để đánh vào lòng tin và tâm lý ham lợi nhuận của người dân. Các đối tượng đã xây dựng cả một nền tảng đầu tư giả lập, cung cấp ứng dụng giao dịch, hiển thị số dư, báo cáo lãi suất mỗi ngày.
Không những vậy, chúng còn tổ chức hội thảo online, thuê KOLs quảng bá, đăng tải video giả mạo chuyên gia tài chính để tạo cảm giác chuyên nghiệp. Chính những điều đó khiến người dân, từ người trẻ đến người lớn tuổi, đều dễ dàng trở thành “con mồi”, bởi họ không có công cụ nào để kiểm chứng thực hư.
Chị Ngọc Anh (giáo viên nghỉ hưu ở phường Vĩnh Tuy) cho biết: “Tôi từng xem một đoạn video hướng dẫn kiếm tiền nhàn rỗi trên mạng xã hội. Họ nói rất dễ hiểu, lại có hình ảnh người lớn tuổi thành công, kiếm hàng chục triệu mỗi tháng. Tôi định đầu tư thử vài triệu, may mà chưa kịp chuyển thì vụ án bị phanh phui. Nghĩ lại vẫn thấy run”.

Kỹ sư phần mềm Nguyễn Quang Hiếu (phường Tương Mai) đánh giá: “Đây không còn là trò lừa đảo truyền thống. Các đối tượng đã mô phỏng một doanh nghiệp thực thụ, có quản trị, điều hành, kế toán, có đội chăm sóc khách hàng bài bản. Người mới tham gia không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Chính những yếu tố “rất giống thật” đó lại trở thành công cụ nguy hiểm nhất”.
Không dừng lại ở nhóm người nhẹ dạ, vụ việc còn cho thấy ngay cả những người từng làm trong ngành tài chính cũng có thể bị cuốn vào. Ông Trần Anh Tuấn (phường Láng), nguyên cán bộ tài chính doanh nghiệp, thẳng thắn nhìn nhận: “Các mô hình lừa đảo hiện nay đánh trúng vào tâm lý của cả người có học thức, đó là cảm giác ‘mình kiểm soát được rủi ro”. Khi thấy bạn bè cũng tham gia, họ nghĩ là an toàn. Nhưng thực chất, tất cả chỉ là một vở kịch, được dựng lên khéo léo, nhằm tạo hiệu ứng đám đông”.
Theo ông Tuấn, điều đau lòng là nhiều nạn nhân không chỉ mất tiền, mà còn bị tổn thương tinh thần, mất niềm tin vào chính người thân. “Có người vay tín chấp, thế chấp tài sản gia đình để đầu tư, rồi mất trắng. Không ít cặp vợ chồng ly tán, cha mẹ, con cái mâu thuẫn chỉ vì một cú click sai lầm trên mạng. Hậu quả không chỉ là thiệt hại kinh tế mà còn là đổ vỡ trong quan hệ xã hội, tâm lý bị hủy hoại”.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quốc Thanh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết vụ việc này là minh chứng điển hình cho xu hướng tội phạm công nghệ cao đang biến tướng phức tạp. “Các đối tượng tận dụng khoảng trống pháp lý, sự thiếu hiểu biết của người dân để hoạt động. Đáng nói hơn, khi bị mất tiền, nhiều nạn nhân không biết mình có được pháp luật bảo vệ hay không, thậm chí lo sợ bị quy trách nhiệm vì ‘tiếp tay’ cho hoạt động vi phạm”, luật sư Thanh nói.
Thực tế cho thấy, rất nhiều mô hình lừa đảo hiện nay ẩn dưới các hình thức như: “học đầu tư miễn phí”, “chuyên gia phân tích tài chính độc quyền”, “mô hình chia lợi nhuận”, hoặc “giao dịch tiền kỹ thuật số nội bộ”. Một cán bộ Công an phường Láng cảnh báo: “Tất cả các hình thức này đều nhằm mục đích dẫn dụ người tham gia bằng cảm giác chuyên nghiệp, an toàn. Nhưng bản chất chỉ là cái bẫy tài chính tinh vi, không có cơ sở pháp lý nào đứng sau”.
Vị cán bộ phường nhấn mạnh, người dân cần tuyệt đối không chuyển tiền cho tài khoản cá nhân, không tin vào các ứng dụng chưa được kiểm định, và không nên tham gia vào bất kỳ mô hình đầu tư nào chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Khi có dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho công an địa phương hoặc cơ quan chức năng gần nhất.
Một điểm khác đáng chú ý là cách các đối tượng lợi dụng truyền thông mạng xã hội để đánh bóng hình ảnh. Nhiều nạn nhân thừa nhận mình bị thuyết phục vì thấy mô hình đầu tư xuất hiện trên các bài viết báo chí (dù chỉ là dạng quảng cáo), hay vì có người nổi tiếng chia sẻ, livestream giới thiệu. Đây là một lỗ hổng về kiểm duyệt truyền thông và trách nhiệm xã hội, cần được siết chặt.
Tuy nhiên, trong gam màu xám của vụ việc, cũng có tín hiệu tích cực. Ghi nhận từ một số phường cho thấy, sau vụ Mr Pips, nhiều người dân chủ động tìm đến các buổi sinh hoạt cộng đồng để tìm hiểu pháp luật, học cách nhận diện mô hình lừa đảo. Đây là dấu hiệu cho thấy nhận thức xã hội đang dần thay đổi. Dẫu vậy, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, từ công an, chính quyền địa phương đến các tổ chức truyền thông, giáo dục, vẫn là chìa khóa then chốt để ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo kiểu mới.
Vụ án Mr Pips có thể đã được bóc gỡ, nhưng dư chấn xã hội sẽ còn kéo dài. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, nơi mà một cú nhấp chuột có thể dẫn đến mất trắng tài sản, người dân cần trang bị cho mình kiến thức tài chính tối thiểu, khả năng kiểm chứng thông tin và bản lĩnh nói “không” trước mọi lời hứa hẹn làm giàu không rõ ràng.
Trong thời đại số hóa, lừa đảo công nghệ cao ngày càng tinh vi, ẩn dưới vỏ bọc các sàn đầu tư tài chính, tiền kỹ thuật số hay nền tảng kiếm tiền online. Người dân cần nắm rõ nguyên tắc “không có lợi nhuận nào miễn phí” và kiểm chứng tính pháp lý của mọi hoạt động tài chính trước khi tham gia. Đừng tin vào những lời hứa hẹn sinh lời nhanh, cam kết lãi suất khủng hay những chiêu trò “thưởng hoa hồng khi giới thiệu bạn bè”. Mọi thông tin mập mờ, tài khoản cá nhân, ứng dụng không rõ nguồn gốc đều là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro. Tỉnh táo, chủ động kiểm chứng và tham khảo ý kiến pháp lý là cách duy nhất để không trở thành nạn nhân trong các chiêu trò ảo nhưng thiệt hại thì rất thật.