Bắc Ninh phát triển đô thị có chức năng cấp Vùng Thủ đô
Từ nay đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh cần nâng cấp 12 đô thị, trong đó trọng tâm là chuỗi đô thị Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh giữ vai trò nòng cốt, thúc đẩy tốc độ phát triển đô thị toàn tỉnh để hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 1 đô thị loại I là thành phố Bắc Ninh và 1 đô thị loại III là thành phố Từ Sơn (cả 2 thành phố có 100% đơn vị hành chính là phường), 3 đô thị loại IV (Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong ), 4 đô thị loại V (Lim, Thứa, Gia Bình, Nhân Thắng)…
Để toàn tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương thì số đô thị được giảm từ 12 xuống còn 8 đô thị, gồm đô thị lõi (loại I) thuộc phạm vi đô thị hành chính của 5 đơn vị cấp huyện phía Bắc sông Đuống, 1 đô thị loại III (Thuận Thành) và 6 đô thị loại V (Gia Bình, Thứa, Trung Kênh, Lâm Thao, Nhân Thắng và Cao Đức).
Để đạt mục tiêu Bắc Ninh trở thành đô loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2030, công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng xã hội đang được các ngành chức năng coi trọng. Các địa phương tích cực phối hợp với sở chuyên ngành tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý đô thị theo quy hoạch. Đồng thời, tập trung nguồn lực theo thứ tự ưu tiên để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế đô thị.
Đặc biệt, tỉnh đang chú trọng việc xây dựng Bắc Ninh với trọng tâm phát triển kinh tế, công nghiệp có các chức năng cấp Vùng Thủ đô, cấp quốc gia, quốc tế. Do có lợi thế nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, là đô thị vệ tinh của Thành phố Hà Nội, lại nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Ninh phải phát huy được lợi thế thông qua hoạt động xây dựng đô thị gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa - lịch sử, thương mại và kinh tế tri thức. Tỉnh quan tâm khai thác giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, khoa bảng, bản sắc riêng có của Bắc Ninh, xác định hướng phát triển trọng tâm về văn hóa lịch sử du lịch tâm linh, cội nguồn cấp quốc gia... Đồng thời, phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng để thúc đẩy đầu tư các công trình hạ tầng kết nối cấp vùng Thủ đô, góp phần giảm sức ép cho Thủ đô Hà Nội gồm: Hệ thống các trung tâm thương mại lớn kết hợp với khu vui chơi giải trí; hạ tầng xã hội (thể thao - đăng cai tổ chức các sự kiện cấp khu vực ASEAN; bệnh viện, các trường đại học, khu công nghệ cao - trí tuệ nhân tạo trong việc giám sát, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh; viện nghiên cứu công nghệ Nano, nghiên cứu điện tử...); đặc biệt là hạ tầng giao thông và vận tải công cộng, hệ thống đường tỉnh, đường liên khu vực, đường liên đô thị…