Bắc Ninh: Cần cơ chế để giải quyết nghịch lý “có nhà ở nhưng không có người mua”
Nghịch lý “có nhà ở nhưng không có người mua” tại Bắc Ninh là câu chuyện đáng phải suy ngẫm trong bối cảnh các ngành chức năng đang tìm những giải pháp đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Nhà ở công nhân xây xong nhưng không có người đăng ký thuê, mua
Đây là nghịch lý đang diễn ra tại Bắc Ninh - nơi “thủ phủ” công nghiệp với lượng công nhân lớn nhất nhì miền Bắc. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Bắc Ninh, với gần 6000 căn hộ nhà ở cho công nhân đã và đang hoàn thành. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 3000 căn hộ có người đăng ký thuê, mua theo quy định.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, là do những hạn chế về đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Các dự án nhà ở công nhân thường tập trung ở các khu công nghiệp là các huyện, các xã. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở thì đối tượng hộ nghèo và thu nhập thấp ở nông thôn không được phép mua nhà ở xã hội, dẫn đến việc hạn chế về đối tượng, trong khi đây là đối tượng có nhu cầu cao về nhà ở xã hội; Khó khăn thứ hai, do công nhân lao động đa số là công nhân ngoại tỉnh, chủ yếu còn trẻ, tâm lý cũng như thói quen và tính chất công việc không ổn định nên không có nhu cầu mua, chỉ có nhu cầu thuê.
Cùng với đó là vấn đề về thuế thu nhập, cụ thể, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: “Theo pháp luật về thuế, trên 11 triệu phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Tuy nhiên, để mua 1 căn hộ, thì với 11 triệu chưa kể vấn đề về các chi phí gửi về gia đình, sinh hoạt thì họ cũng khó có thể tích lũy không để mua nhà ở xã hội. Do vậy, về đối tượng mua, cần xem xét đến điều kiện về thu nhập của công nhân”.
Cũng theo ông Dũng, khó khăn nữa liên quan đến các quy định khác như công tác quy hoạch, các chỉ tiêu, việc thẩm định, giá bán…. Trong Luật Nhà ở (sửa đối), Sở Xây dựng đã đề nghị lưu ý vấn đề liên quan tới giá, trong đó xem xét giao cho địa phương trên cơ sở quy định pháp luật, trình UBND tỉnh ban hành khung giá tương tự với nhà ở xã hội của các hộ gia đình đang thực hiện. Nếu giá được điều chỉnh hàng năm cũng là cơ sở để các doanh nghiệp thúc đẩy hơn nữa việc tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân.
Mở rộng đối tượng, khơi thông cơ chế
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Bắc Ninh cũng như các địa phương, tại Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” diễn ra mới đây, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cho biết: Vấn đề Bắc Ninh và các địa phương chia sẻ, chúng ta cần đề ra các chính sách, giải pháp vì nhu cầu của người công nhân đa dạng… Cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp, rà soát quỹ đất để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong giai đoạn tới.
Chia sẻ về kết quả thực hiện phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Các quy định pháp luật về nhà ở nói chung và về nhà ở xã hội nói riêng, đến nay cơ bản đã có sự hoàn thiện, thống nhất với các luật như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Chính vì vậy Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các Sở ngành và địa phương liên quan kịp thời xây dựng các chương trình phát triển nhà ở, phát triển đô thị cũng như rà soát công tác quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội một cách đồng bộ theo chủ chương của Chính phủ đề ra.
Kết quả, trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có 53 dự án với quy mô khoảng 170ha. Các dự án này khi hoàn thiện sẽ đáp ứng hơn 5 triệu m2 sàn với 73 nghìn căn hộ cho người thu nhập thấp và người lao động. Trong đó đã có 22 dự án đã có công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng với khoảng 20 nghìn căn hộ.
Theo Đề án 338, để hướng tới phát triền ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát quỹ đất, tính đến thời điểm hiện tại, Sở Xây dựng đã rà soát đươc khoảng 90 ha quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2030.
“Để đạt được kết quả như trên, trên cơ sở các quy định pháp luật, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, đặc biệt là các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư. Trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, ngoài đô thị loại I, II, III phải để dành 20% quỹ nhà ở theo quy định, đối với các đô thị loại IV, V ở các khu vực có các khu công nghiệp tập trung có nhu cầu nhà ở cao, tỉnh cũng yêu cầu để dành 20% quỹ đất để xây dựng phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động”, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho hay.
Về phát triển hạ tầng, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: Tỉnh Bắc Ninh ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung, hạ tầng kết nối để từ đó làm cơ sở lập quy hoạch cũng như thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến cơ chế chính sách, ngoài cơ chế chính sách Trung ương, tỉnh cũng chủ động hỗ trợ đối với các dự án nhà ở cho công nhân (hỗ trợ 50% tiền giải phóng đền bù và hỗ trợ 100% đối với công tác đầu tư xây dựng hạ tầng ở trong hàng rào).
Vì vậy, tính thời điểm hiện tại các dự án nhà ở xã hội trên đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cũng như mong muốn của các hộ gia đình người lao động thu nhập thấp trên địa bàn.
Ông Dũng cũng cho rằng, thời gian tới cần thực sự quan tâm chú trọng tới phát triển đối với loại hình nhà ở lưu trú công nhân, bởi đây chính là loại hình nhà ở xã hội cho thuê mà các đối tượng công nhân có nhu câu nhiều nhất.
“Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu để hình thành hệ thống các quy định về: Quy chuẩn, tiêu chuẩn; trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, đến khâu lập thẩm định, quy hoạch, quản lý phát triên và sử dụng nhà ở xã hội ... đảm bảo tính đồng bộ. Có như vậy, trong thời gian tới mới có thế hoàn thành tốt mục tiêu phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội theo Đề án 338 đã đề ra”, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho hay.
Hiến kế việc đảm bảo nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải khơi thông cơ chế, mở rộng thêm đối tượng thuê, mua, đặc biệt nên giảm thiểu những thủ tục rườm rà khiến công nhân, người thu nhập thấp khó tiếp cận với loại hình nhà ở này.
Trong chuyến thăm và làm việc tại hai dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại các xã Thụy Hòa và Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao về chất lượng và tiến độ của các dự án. Thủ tướng nhấn mạnh việc lấy Bắc Ninh làm hình mẫu về phát triển nhà ở xã hội để nhân rộng. Hiện Bắc Ninh đang tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhằm đảm bảo “mục tiêu một triệu căn hộ” cũng như mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Chính phủ đã đề ra.