Bắc Giang: Tạm dừng hoạt động khai thác đất của công ty Trung Bắc
Sau phản ánh của Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, H. Việt Yên yêu cầu công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản (đất san lấp) cho đến khi có thông báo mới.
Tóm tắt: Công ty TNHH Khoáng Sản Trung Bắc được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Đầu tư khai thác khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) tại khu vực Núi Kẻ, thôn Kẻ, xã Quảng Minh và núi Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang”.
Tuy nhiên trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại dự án nói trên, doanh nghiệp khai thác sai phép, tự ý phá vỡ cam kết bảo vệ môi trường. Bài viết phân tích về thực trạng của doanh nghiệp trên cơ sở tham chiếu các nội dung trong Giấy phép khai thác khoáng sản, quyết định phê duyệt thẩm định đánh giá báo cáo tác động môi trường đã được cấp cho doanh nghiệp; Những vấn đề cần hoàn thiện để phù hợp với thực tế khai thác tài nguyên khoáng sản, kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang có biện pháp giám sát, xử lý tránh gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Mới đây, trao đổi nhanh với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Lương Ngọc Đức – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, cơ quan chức năng đã có ý kiến yêu cầu công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc dừng hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại mỏ núi Kẻ, thôn Kẻ, xã Quang Minh, núi Nội Ninh, thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo từ các cơ quan chức năng, công ty TNHH Khoáng Sản Trung Bắc đã tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại khu vực mỏ nói trên.
Từ năm 2022 tới nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 11 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thông qua hình thức đấu giá và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cấp mới.
Điểm khác nhau giữa 2 hình thức trên là đối với mỏ có đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì doanh nghiệp trúng đấu giá được quyền vận chuyển, cung cấp khoáng sản cho bất cứ dự án nào, không bó hẹp ở một dự án, công trình cụ thể. Còn đối với mỏ đất không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì chỉ được phép cung cấp đất cho những công trình, dự án cụ thể.
Trong đó, huyện Việt Yên đã có 3 mỏ được cấp phép khai thác, huyện Tân Yên có 2 mỏ, huyện Yên Thế có 1 mỏ, huyện Lạng Giang 1 mỏ, huyện Lục Nam 3 mỏ và huyện Yên Dũng 1 mỏ.
Đối với các mỏ đất trên địa bàn huyện Việt Yên được cấp phép khai thác đất trong thời gian trên, ngoài 02 mỏ đất được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực núi Khống, núi Phang (thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức) cho Công ty TNHH Sản xuất gạch ngói Ngọc Lý (Công ty Ngọc Lý) khai thác để lấy đất san lấp mặt bằng dự án”, thì còn có mỏ đất núi Kẻ thôn Kẻ, xã Quang Minh, núi Nội Ninh thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên được cấp cho công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc.
Đây là mỏ đất được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép bằng hình thức không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong giấy phép nêu rất rõ về địa điểm, loại công trình được cung cấp đất san lấp.
Theo đó, Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho Công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc nêu rõ: “Cho phép Công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất làm vật liệu san lấp) bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực núi Kẻ, thôn Kẻ, xã Quảng Minh và núi Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên để phục vụ thi công tuyến đường nối từ ĐT294 đến QL37 qua địa bàn huyện Tân Yên và huyện Việt Yên và các công trình hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Tuy nhiên sau nhiều ngày đi thực tế chúng tôi nhận thấy mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe ben “hổ vồ” loại 4 chân và xe đầu kéo rơ mooc “6 chân” thường xuyên ra vào khu vực khai thác của Công ty Trung Bắc để lấy đất đi tiêu thụ.
Điều đáng nói, những chiếc xe đầu kéo rơ mooc “6 chân” này lấy đất để cung cấp vào dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Jutech - một dự án nằm trên địa bàn huyện Hiệp Hòa do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Jutech làm chủ đầu tư.
Trong số những chiếc xe đầu kéo rơ mooc “6 chân” đang lấy đất từ mỏ của Công ty Trung Bắc, có một số xe thuộc quản lý của công ty này (số lượng đầu xe đăng ký gửi cho UBND xã Ninh Sơn là 50 đầu xe), số xe khác thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Một thành viên xây dựng Hải Thọ - nhà thầu thi công dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Jutech.
Trong khi đó theo cam kết của doanh nghiệp được thể hiện tại mục 4, quyết định số 847/QĐ-UBND do UBND tỉnh Bắc Giang ban hành ngày 9/8/2023 nêu rõ, doanh nghiệp cam kết sử dụng xe vận chuyển đất có tải trọng từ 15 tấn trở xuống. Với việc sử dụng xe “hổ vồ” loại 4 chân, xe đầu kéo rơ mooc “6 chân” doanh nghiệp đã tự ý phá vỡ cam kết với chính quyền địa phương.
Chưa dừng lại đó, với việc sử dụng các xe vận chuyển đất có tổng tải trọng trên 40 tấn trong khi chủ đầu tư mỏ khu vực núi Kẻ, núi Nội Ninh chỉ sử dụng trạm cân loại 20 tấn thì liệu trạm cân có thể cân giám sát khối lượng các xe ra vào mỏ lấy hàng? Xin chuyển câu hỏi này đến các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang.
Doanh nghiệp chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất
Cũng liên quan đến hoạt động khai thác đất của công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc tại núi Kẻ, thôn Kẻ xã Quang Minh và núi Nội Ninh thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên và của công ty TNHH Sản xuất gạch ngói Ngọc Lý tại các mỏ núi Khống, núi Phang (thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức), ông Lương Ngọc Đức – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên cho biết cả hai doanh nghiệp trên đều chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định.
Liên quan tới nội dung thuê đất trước khi khai thác, ngày 16/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã có văn bản số 5978/TNMT-TNKS gửi UBND các huyện Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên và các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trong thời gian từ năm 2022 – 2023 về việc báo cáo thực hiện thủ tục thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản các mỏ đất san lấp.
Theo đó Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang yêu cầu các huyện có tên nêu trên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện; UBND các xã liên quan kiểm tra, rà soát việc thuê đất cho hoạt động khai thác của doanh nghiệp; phối hợp cùng doanh nghiệp làm thủ tục thuê đất và giải quyết các vướng mắc khó khăn về thuê đất trong hoạt động khai thác khoáng sản (đất san lấp) của các doanh nghiệp, văn bản thực hiện đề nghị UBND các huyện có văn bản gửi về sở trước ngày 22/11/2023; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong quá trình khai thác khoáng sản (đất san lấp).
Liên quan đến nội dung trên, UBND huyện Việt Yên có văn bản số 4500/ UBND-TNMT, do PCT UBND huyện Việt Yên Lê Hoàng Bách ký ban hành ngày 23/11/2023.
Theo nội dung văn bản 4500 thì trên địa bàn huyện Việt Yên hiện nay có 3 mỏ đất đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho 2 doanh nghiệp là Công ty Trung Bắc và Công ty Ngọc Lý làm vật liệu xây dựng thông thường thì cả 2 doanh nghiệp này đều chưa thực hiện làm thủ tục thuê đất và cũng chưa có báo cáo bằng văn bản cụ thể việc thuê đất để hoạt động khai thác khoáng sản nhưng đã tổ chức khai thác khoáng sản.
Liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoảng sản trên địa bàn, ngày 2/11/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký ban hành Công văn số 6332/UBND-KTN về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa tỉnh.
Theo nội dung Công văn số 6332, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản sau khi được cấp phép.
Chú trọng công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; việc thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khoáng sản sau khi kết thúc khai thác theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động cấp phép, quản lý sau khi cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của UBND cấp huyện theo văn bản được UBND tỉnh ủy quyền.
Kịp thời báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương (cấp huyện, xã) để hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, sai phép trên địa bàn diễn ra phức tạp.
Câu hỏi được đặt ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã làm hết vai trò, trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản sau khi được cấp phép của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hay chưa?
Gắn liền với mỗi hoạt động phát triển kinh tế đều có các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường. Nhìn vào quy mô khai thác của Công ty TNHH khoáng sản Trung Bắc có thể thấy doanh nghiệp đã và đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, đóng góp vào các khoản thu từ thuế cho địa phương; thúc đẩy các lĩnh vực hỗ trợ khác tại địa phương cùng phát triển.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và thượng tôn pháp luật được thực hiện nghiêm minh, khai thác tài nguyên khoáng sản một cách bền vững, tạo đà thực thi cho các mục tiêu về tăng trưởng xanh, tác giả bài viết có kiến nghị:
Kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang vào cuộc, rà soát lại hoạt động khai thác khoáng sản (đất san lấp) của công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc tại khu vực núi Kẻ, thôn Kẻ, xã Quang Minh và núi Nội Ninh, thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên.
Kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền về pháp luật môi trường trong cộng đồng doanh nghiệp và dân cư, cần có những quyết định xử lý nghiêm minh và xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu chủ quan, buông lỏng quản lý trong hoạt động khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Kiến nghị Công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc cần nghiêm túc thực hiện theo Giấy phép khai thác tài nguyên, các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được cấp tại dự án khu vực núi Kẻ, thôn Kẻ, xã Quang Minh và núi Nội Ninh, thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên và dừng ngay các hoạt động khai thác, tiêu thụ đất san lấp trái nội dung được cấp. Có kiến nghị đến các cấp thẩm quyền để hoàn thiện dự án theo nhu cầu hoạt động và phát triển kinh tế, xã hội.
Để "đất tặc" không còn đất sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các bộ ngành trong quản lý tài nguyên, khoáng sản ở cơ sở, nhất là trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, Đảng viên.
Bà An "hiến kế": Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu làm mạnh tay, quyết liệt được như vậy, thì "đất tặc" sẽ không còn đất sống.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV