9 tháng đầu năm 2023 PAN ghi nhận lãi 456 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ
Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm. Mảng nông nghiệp và thuỷ sản ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất.
Theo đó, quý III/2023, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.703 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tổng 9 tháng đầu năm 2023, PAN chứng kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt 9.008 tỷ đồng, thu hẹp đà giảm từ mức -14% hồi 6 tháng đầu năm xuống còn -8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn cho biết quý III tiếp tục là giai đoạn khó khăn tại các thị trường xuất khẩu chính của mảng thủy sản, dẫn đến sự suy giảm lớn nhất về doanh thu đến từ mảng này trong tổng doanh thu.
Lạm phát tại các thị trường như Mỹ, EU tăng cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, quy mô tiêu dùng giảm, giá xuất khẩu cũng giảm theo. Ngoài ra, nền so sánh năm 2022 cũng là mức cao kỷ lục của mảng thủy sản từ trước đến nay. Doanh thu từ mảng thuỷ sản đạt 1.928 tỷ đồng gần như không đổi so với cùng kỳ. Đây là mảng đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của PAN, chiếm 52%.
Cũng trong bối cảnh khó khăn của thị trường chung với nhiều tác động tiêu cực từ đầu năm, nông nghiệp và thực phẩm vẫn là điểm sáng với kết quả ấn tượng trong quý III, theo đó động lực tăng trưởng đến từ việc giá gạo neo cao kéo theo nhu cầu tăng mạnh của thị trường vật tư nông nghiệp đầu vào.
Trong quý III/2023, lợi nhuận sau thuế thể hiện mức tăng trưởng 35% so với cùng kỳ với động lực đến từ sự phục hồi của các mảng kinh doanh chính và hiệu quả tốt từ hoạt động tài chính Tập đoàn.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cổ đông công ty mẹ giảm 13% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do trong 9 tháng đầu năm ngoái, Tập đoàn ghi nhận khoản lợi nhuận 43 tỷ từ các giao dịch chuyển nhượng tài sản. Nếu tính riêng kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong 9 tháng 2023, tập đoàn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế mảng nông nghiệp giảm 7% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính đến từ việc các chi phí đầu vào tăng, trong đó có chi phí vốn chịu ảnh hưởng từ nền lãi suất cao. Ngoài ra, vật tư đầu vào chủ yếu là giá lúa tươi tăng mạnh, trong khi doanh thu đầu ra (chủ yếu là giống lúa) chưa tăng theo kịp trong khoảng thời gian này dẫn tới biên lợi nhuận giảm.
Tại mảng thủy sản, mặc dù doanh thu giảm 14,8%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ giảm khoảng 9% nhờ hiệu quả của các vùng nuôi tự chủ. Các chi phí vận chuyển cũng giảm mạnh so với mức cao cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là con số tích cực so với mức suy giảm trung bình toàn ngành.
Tại mảng thực phẩm, biên lợi nhuận sau thuế giảm trong bối cảnh các vật tư đầu vào như đường, trứng đều tăng cao. Do ảnh hưởng chung của thị trường, đa phần các sản phẩm đều giảm giá bán để ưu tiên các mục tiêu dòng tiền của Công ty, song song với mục tiêu lợi nhuận.
9 tháng năm 2023, tập đoàn thực hiện 60% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Các mảng kinh doanh chính, nhất là thủy sản chưa ghi nhận sự phục hồi như kỳ vọng, kéo theo tỷ lệ hoàn thành kế hoạch chưa cao sau 3 quý đầu năm. Ngoài ra, thị trường nội địa cũng găp nhiều biến động khó lường về giá cả các chi phí sản xuất, sức cầu nội địa và lạm phát.
Như vậy, việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2023 còn nhiều thách thức trong bối cảnh tốc độ hồi phục mảng thủy sản chưa đạt kỳ vọng. 3 tháng cuối năm sẽ là mùa vụ kinh doanh cao điểm của tất cả các mảng kinh doanh của Tập đoàn PAN.
Được biết, PAN được thành lập năm 1998 dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn với vốn đăng ký ban đầu là 250 triệu đồng. Năm 2005, công ty được cổ phần hóa và tăng vốn điều lệ lên 6,2 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, công ty liên tục tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đến tháng 10 năm 2015, công ty chính thức đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn PAN với vốn điều lệ là 1.731.011.410.000 đồng.
Tập đoàn PAN hiện có tổng tài sản hợp nhất hơn 11.336 tỷ, là một trong những công ty có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 16 năm sau cổ phần hóa, PAN đã không ngừng phát triển, khẳng định vị thế là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm ở Việt Nam. PAN đặt mục tiêu trở thành thương hiệu thực phẩm được yêu thích của mọi gia đình châu Á, cung cấp những sản phẩm thuần khiết, sạch, ngon và chất lượng mỗi ngày, góp phần nâng cao và phong phú hóa cuộc sống của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Nhờ quá trình đầu tư có chiều sâu, bền vững với tầm nhìn dài hạn của Ban lãnh đạo, Tập đoàn đã và đang gặt hái được nhiều thành quả: Mở rộng thị trường nông sản, phát triển tốt các dòng sản phẩm có lợi thế mạnh mẽ như gạo, tôm, hạt điều…; tăng cường năng lực sản xuất nhờ khánh thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở, nhà máy thân thiện môi trường, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, thu hút người lao động địa phương đến làm việc.
Tiến Hoàng