Vietcombank báo lãi trước thuế gần 30.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với thu nhập từ nhiều mảng chính sụt giảm.
Theo đó, báo cáo tài chính quý 3/2023 tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) cho thấy, thu nhập lãi thuần giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 12.596 tỷ đồng.
Trong kỳ, ngoại trừ khoản lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 19%, còn hơn 891 tỷ đồng thì các khoản kinh doanh ngoài lãi khác đều ghi nhận tăng trưởng hoặc đi ngang.
thu nhập lãi thuần trong quý III giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thu nhập từ lãi tăng 32,6% trong khi chi phí lãi tăng gần 75%. Lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối giảm lần lượt 19,2% và 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các mảng khác như mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư có ghi nhận sự cải thiện so với quý III/2022. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng 33,7% mang về hơn 520 tỷ đồng. Lãi từ góp vốn, mua cổ phần cũng tăng 15,2% đạt gần 147 tỷ đồng.
Mặc dù tổng thu nhập từ hoạt động giảm 5,6% tuy nhiên nhờ cắt giảm mạnh chi phí hoạt động (giảm gần 18%) đã khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn duy trì tăng trưởng gần 2% so với cùng kỳ.
Cũng nhờ cắt giảm gần một nửa chi phí dự phòng rủi ro (1.284 tỷ đồng) trong kỳ, Vietcombank vẫn đạt được mức tăng trưởng cao lợi nhuận trước thuế (gần 20%) với 9.051 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.274 tỷ đồng, tăng 20%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 18,5%, thực hiện được gần 69% kế hoạch lợi nhuận tối thiểu của cả năm 2023 (42.973 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước).
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng trên tổng huy động từ dân cư (CASA) tại thời điểm cuối tháng 9 đạt hơn 29,5%, mức cao nhất trong ba quý đầu năm.
Tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này bắt đầu giảm từ đầu năm nay, thực trạng chung của hệ thống ngân hàng. Sự dịch chuyển tại thời điểm đó xuất phát từ hai lý do, tiền gửi chuyển sang nhóm kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn, và nhóm khách hàng doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động, giảm vay nợ.
Quy mô tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại Vietcombank vào cuối quý I ghi nhận hơn 369.000 tỷ đồng, giảm hơn 30.000 tỷ so với thời điểm 31/12/2022. Tỷ lệ CASA ở mức 28,79%, so với 32,34% cuối năm 2022.
Khoản mục này tăng vào quý II, nhưng tỷ lệ CASA vẫn giảm do tốc độ tăng của tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn mức tăng tổng tiền gửi khách hàng. Phải tới quý III, CASA của Vietcombank mới bật trở lại.
Quy mô tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng đạt gần 400.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý III, gần tương đương quy mô cuối năm 2022. Tỷ lệ CASA cũng tăng lên hơn 29,5%.
CASA có vai trò quan trọng trong bối cảnh chi phí vốn đang gây áp lực tới tăng trưởng của các ngân hàng. Trong hai quý gần nhất, lợi nhuận nhiều nhà băng đã thu hẹp khi chi phí trả lãi tăng cao khiến thu nhập lãi thuần - 'nồi cơm chính' - sụt giảm. Với Vietcombank, chi phí lãi và các khoản tương đương trong quý III đã tăng hơn 56%, trong khi các khoản thu từ lãi chỉ tăng 17%. Tuy nhiên thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ giảm nhẹ, lợi nhuận vẫn tăng hai chữ số nhờ giảm chi phí hoạt động và dự phòng.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 43.700 tỷ đồng. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất, nếu so với cùng kỳ nhiều năm qua.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản tại ngân hàng này giảm 5% so với đầu năm, chỉ còn hơn 1,73 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 12%, còn 363.661 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 68% còn 29.312 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 4% lên gần 1,19 triệu tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tiền gửi và vay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giảm 96% còn 2.517 tỷ đồng; tiền vay các tổ chức tín dụng khác giảm 50% còn 5.159 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 8% lên gần 1,35 triệu tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu sau 3 quý đầu năm tại ngân hàng này tăng lên 14.394 tỷ đồng, tương ứng tăng 84% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều gấp 7 lần con số đầu năm lên 2.952 tỷ đồng và 5.724 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,68% đầu năm lên 1,21%.
Tiến Hoàng