Doanh thu tài chính 9 tháng đầu năm của KIDO đạt 1.274 tỷ đồng tăng gần 80% so với cùng kỳ
Công ty CP Tập đoàn KIDO (KIDO; HoSE: KDC) vừa công bố BCTC riêng quý 3/2023, ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ấn tương so với cùng kỳ.
Cụ thể, KIDO ghi nhận doanh thu thuần 2.303 tỷ đồng, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do ảnh hưởng từ những biến động thị trường dẫn đến doanh thu thành phẩm bán ra giảm sâu tới 43% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí giá vốn giảm cao hơn với tỷ lệ 30% so với cùng kỳ xuống mức 1.860 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp chỉ giảm hơn 20%, ghi nhận gần 443 tỷ đồng.
Các khoản chi phí phát sinh trong kỳ đều giảm mạnh: chi phí tài chính giảm 17% xuống mức 52 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 26% xuống 263 tỷ đồng, chi phí QLDN tiết giảm hơn 20% xuống mức 83 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, KIDO đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 124 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 82 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ năm trước.
Trong giai đoạn tháng 7-9/2023, hoạt động kinh doanh cốt lõi của ông lớn thực phẩm tiếp tục suy giảm, nhưng điểm tích cực là mức độ giảm đã co hẹp so với các quý trước và biên lợi nhuận cũng cải thiện.
Cụ thể, KIDO ghi nhận doanh thu 2,300 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 443 tỷ đồng, giảm tương ứng 29% và 20%. Biên lãi gộp cải thiện lên 19.2% trong quý này.
Hoạt động tài chính cũng ghi nhận mức giảm khá đồng đều ở cả doanh thu lẫn chi phí. Cụ thể, doanh thu tài chính giảm 19% xuống 49 tỷ, trong khi chi phí tài chính giảm 17% xuống 52 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, KIDO chủ động tiết giảm các khoản chi phí. Trong đó, chi phí bán hàng giảm 26% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 20%, về mức tương ứng là 263 tỷ đồng và 83 tỷ đồng.
Một điểm tích cực khác là các công ty liên doanh liên kết đã chuyển từ lỗ 35 tỷ đồng (cùng kỳ) thành lãi 31 tỷ đồng trong quý 3/2023.
Hiện KIDO đang có 4 công ty liên doanh liên kết, bao gồm Thực phẩm Đông lạnh Kido (sở hữu 49%), Mỹ phẩm LG Vina (40%), Lavenue (50%) và Chế biến Thực phẩm Dabaco (Dabaco Food, 50%).
Theo bảng thuyết minh tài chính, cuối tháng 9/2023, KIDO có khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 513,9 tỷ đồng, gồm: 480 tỷ đồng trái phiếu của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt và tiền gửi tại ngân hàng Thương mại Xuất nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) 33,5 tỷ đồng.
Đầu tư tài chính dài hạn, KIDO đầu tư vào các công ty con là 4.724 tỷ đồng, đầu tư vào các công ty liên kết và liên doanh đồng kiểm soát 2.005 tỷ đồng. Giá trị thuần đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp vào thời điểm cuối tháng 9/2023 là hơn 6.661 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong quý 3/2023, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp của KIDO đồng loạt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.
Dù doanh thu thuần về bán hàng giảm 36,7% nhưng doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính lại tăng mạnh 137%, cùng loạt chi phí tiết giảm giúp KIDO báo lãi sau thuế quý 3/2023 đạt 345 tỷ đồng, tăng 116,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo KIDO, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính do Tập đoàn tái cơ cấu mạnh trong hoạt động đầu tư: thoái vốn một cách hiệu quả các khoản đầu tư như KIDO Foods; đầu tư thêm vào mảng bánh Thọ Phát.
Lũy kế 9 tháng, KIDO đạt 7.608 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32% so với cùng kỳ (11.229 tỷ đồng). Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp lại tăng “khủng” 550% so với cùng kỳ, đạt 1.040 tỷ đồng. KIDO lãi sau thuế 646,5 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, tập đoàn KIDO, tiền thân là tập đoàn Kinh Đô được thành lập vào năm 1993 và từ đó trở thành một trong những công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Trong suốt 20 năm đầu của chặng đường phát triển, KIDO đã thiết lập và giữ vững vị thế dẫn đầu ở một loạt các sản phẩm bánh kẹo, bánh bông lan, bánh mì, bánh trung thu, bánh quy...
Năm 2015, hướng đến mở rộng và phát triển bền vững, Tập đoàn KIDO chính thức chuyển mình, đặt dấu chân trên thị trường “Thực phẩm & Gia vị”. Phát huy các nền tảng sẵn có, KIDO tiếp tục duy trì và phát triển vị thế dẫn đầu trong ngành hàng lạnh với các sản phẩm Kem, Sữa & các sản phẩm từ Sữa và mở rộng danh mục sản phẩm sang lĩnh vực thiết yếu với thực phẩm đông lạnh, dầu ăn, mì ăn liền, hạt nêm, nước chấm, cà phê, thực phẩm đóng gói tiện lợi… nhằm chăm sóc gian bếp gia đình Việt và phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng suốt cả ngày.
Sở hữu nguồn lực tài chính vững mạnh kết hợp cùng lợi thế về kênh phân phối, năng lực sản xuất, quảng bá và kinh doanh sản phẩm, KIDO đang từng bước thực hiện mục tiêu trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam và vươn tầm Đông Nam Á.
Năm 2023, công ty này đặt kế hoạch doanh thu thuần 15.000 tỷ đồng – tăng 19,7% so với năm 2022 và lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng – tăng 76,3% so với năm 2022. Như vậy kết thúc 9 tháng, KIDO đã hoàn thành 44,5% chỉ tiêu doanh thu và 97% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản KIDO tăng gần 6% so với hồi đầu năm lên mức 13.179 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp gần 2 lần đầu kỳ lên 2.058 tỷ đồng và hàng tồn kho giảm 1 nửa xuống còn 1.119 tỷ đồng.
Nợ phải trả giảm hơn 27% so với hồi đầu năm xuống mức 5.048 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn giảm gần 1 nửa xuống 2.182 tỷ đồng và nợ vay dài hạn giảm 33% hồi đầu năm xuống còn 501 tỷ đồng.
Mới đây, Tập đoàn KIDO đã thông báo chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Thọ Phát Quốc Tế (Thọ Phát) từ 25% lên 68% chỉ sau hơn 3 tháng.
Việc đầu tư 68% cổ phần thương hiệu Thọ Phát là bước tiến lớn đối với KIDO. Thọ Phát sẽ là mảnh ghép quan trọng của tập đoàn trong chiến lược mở rộng ngành bánh. Cùng với các công ty thành viên, KIDO đặt mục tiêu trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam và mở rộng sang các nước trên thế giới trong tương lai.
Tiến Hoàng