6 tháng đầu năm 2024 doanh số Sao Ta đạt 95 triệu USD
CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ 6 tháng đầu năm đạt 95 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ, thực hiện được 45% kế hoạch năm đặt ra (210 triệu USD).
Nửa đầu năm 2024, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt 95 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ, tương đương 45% kế hoạch năm đặt ra (210 triệu USD).
Tính riêng tháng 6, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt 13,46 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng có doanh số thấp nhất trong vòng 4 tháng của công ty.
6 tháng đầu năm, Sao Ta cho biết tôm thành phẩm chế biến đạt 11.255 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ. Tiêu thụ tôm chế biến đạt 8.449 tấn, tăng 26%.
Về nông sản, công ty đã sản xuất 705 tấn, nông sản tiêu thụ 626 tấn, giảm lần lượt 27% và 11% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Sao Ta cho biết trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm chế biến và tiêu thụ tăng nhờ một phần vào tôm tự nuôi và hợp đồng tiêu thụ ổn định. Doanh số tăng thấp hơn sản lượng tiêu thụ do cỡ tôm nhỏ hơn và đơn giá có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Công ty dự báo doanh số trong thời gian còn lại của năm khá vững do đơn hàng tốt.
Về nuôi trồng, Sao Ta cho biết vùng nuôi, vụ chính đang trong tiến trình thu hoạch tỉa và kéo dài hết tháng 8, sau đó công ty sẽ thả nuôi vụ tiếp theo. Sao Ta đánh giá vụ này năng suất tốt nhưng giá tôm thương phẩm thấp.
Theo báo cáo mới công bố từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay. Theo đó, xuất khẩu thủy sản lũy kế nửa đầu năm nay mang về trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP cho biết, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng cao trong tháng 6. Trong đó, cá tra ghi nhận tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%. Riêng mặt hàng tôm tăng nhẹ 7%. Mực, bạch tuộc là sản phẩm duy nhất giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, Thực phẩm Sao Ta xác định đây sẽ là một năm khó khăn tiếp theo của ngành tôm. Trước tình hình này, bên cạnh tập trung vào các thị trường quan trọng, Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm tôm chế biến sâu.
Cụ thể là hoàn thiện nhà máy Tam An và Sao Ta 2 được dự báo sẽ giúp doanh nghiệp nâng sản lượng tôm chế biến sâu thêm 26% so với năm 2023 trong năm nay, cùng với kỳ vọng giá tôm ấm dần lên từ nửa cuối năm 2024 sẽ giúp biên lợi nhuận của Thực phẩm Sao Ta cải thiện 0,1% so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng công suất thiết kế của 2 nhà máy mới là 20.000 tấn/ngày, trong đó nhà máy Tam An và Sao Ta 2 đã vận hành được lần lượt là 20% và 2%.
Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta đang giữ quan điểm thận trọng đối với triển vọng kinh doanh năm nay và dự kiến các khó khăn đối với ngành tôm có thể kéo dài, trong bối cảnh rủi ro từ vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ Hoa Kỳ, cũng như sự hạn chế về nguồn cung nguyên liệu tôm trong nước do người nuôi hạn chế nuôi.
Trong năm nay, Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục tập trung vào sản phẩm chế biến sâu, nhằm tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất bằng cách chuyên môn hóa sản phẩm ở từng nhà máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân nhằm đạt mục tiêu kinh doanh đã đề ra.
Tiến Hoàng