19 doanh nghiệp nhà nước làm ăn ra sao trong 6 tháng đầu năm?
Trong 6 tháng đầu năm 2024, 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đạt tổng doanh thu 1 triệu tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 16/6, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Thông tin tại Hội nghị, lãnh đạo CMSC cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, đạt doanh thu hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 57.000 tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 86.000 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ, bằng 75,24% kế hoạch năm.
Về tình hình đầu tư phát triển, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đến hết tháng 6/2024 ước đạt gần 67.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, thực hiện được 35% kế hoạch năm.
Tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó có một số dự án lớn, trọng điểm có giá trị thực hiện đầu tư cao so với kế hoạch như dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4 đạt 40%, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đạt 42%.
Các dự án đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa, đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I - Phố Nối, đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dự kiến hoàn thành trong năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, một số dự án giao thông cũng đạt kết quả khả quan như: Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; các dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phần 3 - Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…
Theo đại diện CMSC, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC.
CMSC hiện làm đại diện chủ sỡ hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).
H.A